Xương Khớp Kêu Răng Rắc
Xương khớp kêu răng rắc có thể là tiếng kêu vô hại nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về xương khớp. Hiện tượng này nếu xuất hiện kèm theo các triệu chứng khác như sưng viêm khớp, đau nhức xương khớp hay yếu cơ… thì cần được thăm khám và tiếp nhận điều trị càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân
Tình trạng xương khớp kêu răng rắc có thể xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý hoặc do ảnh hưởng của chế độ ăn uống, vận động hàng ngày. Cụ thể như sau:
1. Xương khớp kêu răng rắc do bệnh lý
Tiếng kêu răng rắc phát ra từ xương khớp là triệu chứng của nhiều bệnh, nhất là các vấn đề về xương khớp. Trong trường hợp này, xương khớp kêu răng rắc với tần suất liên tục và có thể kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác như sưng đỏ khớp, đau nhức xương khớp hay cứng khớp… Dưới đây là các vấn đề thường gặp:
Chấn thương sụn khớp:
Sụn khớp là bộ phận bao bọc, bảo vệ đầu xương trước tác động từ bên ngoài, đồng thời giảm ma sát, đảm bảo cho khớp vận động trơn tru, linh hoạt. Chính vì vậy mà khi lớp sụn bị tổn thương, các đầu xương trong khớp cọ sát, tiếp xúc trực tiếp với nhau mỗi khi vận động làm phát ra âm thanh lục khục.
Tình trạng hư tổn sụn khớp thường gặp nhất ở những người bị tai nạn, va đập mạnh hoặc người cao tuổi. Ngoài ra, các bệnh lý như thoái hóa khớp hoặc viêm khớp cũng có thể khiến các mô sụn bị hao mòn, tổn thương.
Thiếu dịch khớp:
Nhiều người thường xuyên cảm thấy xương khớp kêu răng rắc do thiếu dịch khớp (hay còn gọi là khô khớp). Lúc này, chất nhầy tiết ra ít hoặc cơ thể hoàn toàn không sản xuất dịch nhầy bôi trơn khiến cho khớp bị khô, vận động khó khăn và phát ra âm thanh.
Đối tượng bị thiếu dịch khớp chủ yếu là người già trên 60 tuổi, dân văn phòng ít vận động, người lao động nặng, béo phì hoặc từng bị chấn thương khớp. Ngoài việc khiến xương khớp kêu răng rắc, tình trạng thiếu dịch khớp còn có thể gây đau nhức, sưng viêm khớp. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến sụn và xương dưới sụn bị hủy hoại nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ bị biến dạng khớp, tàn phế rất cao.
Thoái hóa khớp:
Nhắc đến các nguyên nhân gây ra tiếng kêu răng rắc ở xương khớp, chúng ta cần đề cập đến bệnh thoái hóa khớp. Điểm đặc trưng của bệnh chính là tình trạng hao mòn của lớp sụn khiến cho các đầu xương ma sát mạnh với nhau và phát ra tiếng kêu răng rắc khi vận động.
Tình trạng trên có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể. Thường gặp nhất là thoái hóa khớp gối, thoái hóa khớp háng hay thoái hóa khớp cổ tay, cổ chân.
Không chỉ khiến xương khớp kêu răng rắc, bệnh thoái hóa khớp còn gây ra nhiều triệu chứng khác như:
- Đau âm ỉ hoặc dữ dội ở khớp. Cơn đau tăng nặng khi vận động.
- Khớp cứng và khó cử động vào buổi sáng hoặc sau một thời gian dài nghỉ ngơi.
- Phạm vi hoạt động của khớp bị giới hạn
- Một số trường hợp còn bị sưng viêm tại khớp bị thoái hóa.
Xương khớp kêu răng rắc do viêm gân
Bệnh viêm gân cũng có thể gây ra tiếng kêu răng rắc ở xương khớp. Bình thường, gân đóng vai trò kết nối cơ với xương. Do bị viêm, gân có thể cọ sát vào xương gây ra các cơn đau nhức và tạo ra tiếng kêu răng rắc mỗi khi vận động.
Gai xương:
Gai xương thường hình thành sau khi bị chấn thương hoặc thoái hóa khớp. Lúc này, trong khớp của người bệnh thường xuất hiện các mấu gai nhỏ ma sát vào xương và các mô mềm xung quanh khiến người bệnh đau đớn và phát ra tiếng kêu tại khớp.
Viêm khớp:
Bệnh viêm khớp có nhiều dạng như viêm khớp nhiễm khuẩn, gout hay bệnh viêm khớp dạng thấp. Tất cả các vấn đề này đều có thể gây tổn thương sụn và khiến xương khớp kêu răng rắc.
Các triệu chứng khác có thể gặp khi bị viêm khớp bao gồm:
- Sưng khớp, viêm đỏ
- Chạm vào khớp thấy nóng ấm
- Đau nhức khớp
- Khó khăn khi cử động
- Có thể sốt hoặc không sốt.
Vôi hóa ổ khớp:
Vôi hóa ổ khớp là tình trạng lắng đọng các canxi ở sụn hoặc xương dưới sụn khi khi vực này bị tổn thương. Hậu quả là người bệnh không chỉ bị đau mỗi khi vận động mà đôi khi còn nghe được những âm thanh răng rắc, lục cục phát ra từ khớp.
2. Nguyên nhân khiến xương khớp kêu răng rắc không do bệnh lý
Không phải trường hợp nào có tiếng kêu răng rắc ở xương khớp cũng là do mắc bệnh. Đôi khi, tình trạng này còn xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Vận động khớp đột ngột: Các cử động đột ngột tại khớp khiến cho bao hoạt dịch bị kéo căng và phát ra âm thanh. Đây là một dấu hiệu vô hại, thường không kèm theo các triệu chứng khó chịu nào khác.
- Thừa cân, béo phì: Cân nặng dư thừa sẽ làm tăng áp lực đè nén lên khung xương. Theo thời gian, xương khớp chịu nhiều áp lực sẽ dễ bị tổn thương, thoái hóa và phát ra tiếng kêu răng rắc, lục cục bất thường.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Ăn uống thiếu chất, nhất là canxi hay vitamin D là nguyên nhân khiến nhiều người bị loãng xương, thoái hóa khớp hay gai xương – các vấn đề thường gặp gây ra tiếng kêu lục cục ở xương khớp.
- Lão hóa: Hiện tượng xương khớp kêu lục cục, răng rắc thường gặp ở người già do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Càng lớn tuổi, tốc độ mài mòn của lớp sụn càng nhanh nhưng cơ thể không có khả năng tái tạo các tế bào mới khiến cho người già bị thoái hóa khớp, xương khớp thường xuyên phát ra âm thanh lạ.
- Ít vận động: Hoạt động thể chất ít khiến khớp bị khô, cứng, kém sản xuất dịch và ít được tưới máu nuôi dưỡng. Đây là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các vấn đề về xương khớp, bao gồm cả sự xuất hiện của các âm thanh lạ phát ra từ khớp khi di chuyển, vận động.
- Lao động nặng: Làm việc quá sức, thường xuyên mang vác đồ nặng khiến xương khớp bị tổn thương, suy yếu. Hậu quả là người bệnh phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe như viêm khớp, thoái hóa cột sống, xương khớp kêu lục khục.
- Vận động sai tư thế: Hoạt động sai tư thế, chơi thể thao không đúng cách, thường xuyên bẻ khớp… Tất cả những thói quen trên đều làm tăng nguy cơ khiến xương khớp kêu răng rắc.
Chăm sóc tại nhà
Để cải thiện tình trạng xương khớp kêu răng rắc, bạn có thể áp dụng những cách dưới đây:
1. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày
Một số thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày như ngồi nhiều, ít vận động, vọp bẻ khớp, mang vác vật nặng hay lạm dụng khớp quá mức đều có thể khiến xương khớp bị tổn thương và phát ra tiếng kêu nhiều hơn.
Muốn loại bỏ được tiếng kêu răng rắc cùng các vấn đề về xương khớp thì trước tiên, bạn cần điều chỉnh lối sống và thói quen sinh hoạt hàng ngày của bản thân cho đúng đắn. Cụ thể như sau:
- Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt hàng ngày
- Lao động vừa sức
- Nhờ sự trợ giúp khi phải di chuyển đồ nặng
- Không đứng hay ngồi quá lâu ở một chỗ. Các trường hợp làm việc trong văn phòng hay nhà máy nên cố gắng dành ra vài phút đi lại, vận động nhẹ nhàng để thúc đẩy tuần hoàn máu đến nuôi dưỡng xương khớp.
- Từ bỏ thói quen bẻ khớp
- Tránh hút thuốc lá
- Tránh các hoạt động lặp đi lặp lại ở một khớp khiến cho khớp bị căng thẳng, tổn thương.
- Chườm nóng cho khớp bị ảnh hưởng mỗi ngày để kích thích lưu thông máu, giảm đau, đẩy nhanh tốc độ chữa lành tổn thương tại khớp.
- Kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu cần thiết.
- Tập thể dục thường xuyên để xương khớp vận động linh hoạt và chắc khỏe hơn.
2. Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết qua chế độ ăn
Tuân thủ một chế độ ăn uống hợp lý và tăng cường bổ sung các dưỡng chất thiết yếu trong chế độ ăn hàng ngày có thể giúp cải thiện được tình trạng xương khớp kêu răng rắc cùng các bệnh lý đi kèm. Điều quan trọng là người bệnh cần nắm rõ các thực phẩm nên và không nên ăn để có sự lựa chọn hợp lý cho thực đơn.
Xương khớp kêu răng rắc lên ăn gì?
- Thực phẩm tăng tiết dịch khớp: Rau mồng tơi, ngũ cốc, chuối, sữa, các loại hạt, dầu ô liu, cá béo, cam, nước hầm xương.
- Thực phẩm có đặc tính giảm đau, kháng viêm tự nhiên: Tỏi, gừng, nghệ, quế, các loại cá béo, mật ong,…
- Thực phẩm giàu canxi: Tôm, cua, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và các sản phẩm từ sữa, đậu nành, cam…
- Các loại quả mọng: Việt quất, dâu tây, nho đen, cherry.
- Thực phẩm giàu vitamin D: Gan bò, cá béo, nấm, ngũ cốc, tôm, nước cam ép, trứng, hàu, phô mai…
Các thực phẩm cần tránh:
- Thịt mỡ, nội tạng động vật
- Các món chiên, xào
- Thức ăn nhanh
- Đồ hộp
- Thức ăn chứa nhiều muối, đường
- Bia, rượu
Câu hỏi thường gặp
Xương khớp kêu răng rắc có cần thăm khám?
Âm thanh răng rắc ở xương khớp có thể là tiếng kêu vô hại nhưng trong nhiều trường hợp, đây lại là dấu hiệu cảnh báo khung xương của bạn đang gặp vấn đề. Chính vì vậy, bạn nên thận trọng đi khám ngay nếu xương khớp phát ra âm thanh lạ kéo dài, nhất là khi cơ thể xuất hiện thêm các dấu hiệu khác như sưng đau khớp, yếu cơ, vận động khó khăn.
Các nguyên nhân căn bản nếu không được kiểm soát tốt còn phát sinh thêm nhiều biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp, tàn phế. Do đó, việc thăm khám và tiếp nhận điều trị sớm là cần thiết khi xương khớp của bạn kêu răng rắc.
Chẩn đoán
Tại phòng khám chuyên khoa, bác sĩ có thể áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để tìm ra nguyên nhân của tiếng kêu răng rắc phát ra từ xương khớp. Bao gồm:
Khám lâm sàng:
- Kiểm tra thể chất
- Khai thác tiền sử bệnh
- Đánh giá chức năng và phạm vi hoạt động của khớp
Chẩn đoán cận lâm sàng:
- Siêu âm khớp
- Chụp X-quang
- Chụp cắt lớp vi tính ( CT scanner)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm dịch khớp
Quá trình chẩn đoán bệnh cho phép bác sĩ xác định được nguyên nhân khiến xương khớp kêu răng rắc hay mức độ tổn thương tại khớp, từ đó đề nghị phương pháp chữa trị thích hợp cho từng bệnh nhân.
Điều trị
Các phương pháp chữa xương khớp kêu răng rắc được áp dụng tại bệnh viện chủ yếu nhắm vào điều trị nguyên nhân và các triệu chứng đi kèm, đồng thời cải thiện chức năng vận động cho người bệnh.
Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân như thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid… Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân tiêm chất nhầy cho khớp nếu bị thiếu dịch khớp hoặc tiêm corticoid cho các trường hợp có biểu hiện sưng đau khớp nghiêm trọng và kéo dài.