Acid Folic Là Gì? Tìm Hiểu Chi Tiết Công Dụng, Cách Dùng Và Lưu Ý

Acid Folic là một trong những loại vitamin nhóm B, giữ vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh các tế bào máu và sự phát triển của ống thần kinh. Nếu thiếu Acid Folic có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai. Vậy Acid Folic là gì, công dụng và cách dùng như thế nào, câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây của Vietmec.

Acid folic là gì?

Acid folic là vitamin B9, hay còn được gọi với cái tên folat, thuộc nhóm 13 loại vitamin cần được cung cấp hàng ngày cho cơ thể. Acid folic rất cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu bình thường và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tổng hợp DNA, RNA. Do đó, thành phần này có liên quan mật thiết đến quá trình phân chia và nhân đôi tế bào.

Nếu cơ thể thiếu axit folic sẽ dẫn đến các bệnh lý liên quan đến hồng cầu, đặc biệt phụ nữ có thai không được bổ sung đầy đủ thành phần này sẽ có thể ảnh hưởng đến sự hình thành ống tủy sống của bào thai, từ đó thai nhi có nguy cơ bị tật nứt đốt sống. Đối với phụ nữ đang trong tuổi sinh đẻ, việc thiếu axit folic sẽ khiến cơ thể thường xuyên mệt mỏi, suy giảm trí nhớ và thể lực.

Axit folic là thành phần chính có trong các loại thuốc cùng tên – Axit Folic. Thuốc có thể bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như: Viên nang mềm, viên nang cứng, thuốc tiêm với hàm lượng 1mg, 5mg,…, trong đó viên nang là dạng phổ biến nhất, được chế tạo ở nhiều hàm lượng khác nhau phù hợp với từng đối tượng dùng.

Các loại thuốc Axit Folic có thể bào chế dưới nhiều dạng khác nhau
Các loại thuốc Axit Folic có thể bào chế dưới nhiều dạng khác nhau

Acid Folic có tác dụng gì?

Acid folic có tác dụng giúp cơ thể sản xuất và duy trì hoạt động của các tế bào mới, đồng thời ngăn ngừa sự thay đổi của các DNA có thể dẫn đến nguy cơ ung thư. Thuốc Acid Folic được dùng trong việc điều trị chứng thiếu acid folic, thiếu máu. Ngoài ra, Acid Folic còn có thể kết hợp với một số loại thuốc khác để điều trị chứng thiếu máu ác tính. Tuy nhiên, Acid Folic không có khả năng chữa trị bệnh thiếu hụt vitamin B12 hay ngăn ngừa tổn thương tủy sống. Cụ thể tác dụng của Acid Folic với từng đối tượng như sau:

Đối với phụ nữ mang thai:

  • Phòng tránh dị tật bẩm sinh: Trong giai đoạn mang thai, đặc biệt là khi thai nhi bắt đầu hình thành não và tủy sống trong tử cung, rất cần được bổ sung acid folic và một số dưỡng chất quan trọng khác. Việc này giúp bé phát triển khỏe mạnh và phòng tránh được những khuyết tật bẩm sinh ở não và tủy sống.
  • Ngăn ngừa thiếu máu: Acid folic đóng vai trò vô cùng quan trọng cho quá trình cung cấp tế bào máu cho cơ thể, giúp sản sinh tế bào mới. Bởi vậy, những đối tượng như phụ nữ có thai rất cần đến dưỡng chất này để ngăn ngừa chứng thiếu máu và tránh tình trạng sinh non, sảy thai, trẻ bị suy dinh dưỡng hay rối loạn tâm thần.
  • Hạn chế khả năng mắc bệnh ung thư: Axit folic có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư như ung thư ruột, ung thư vú, ung thư cổ tử cung,…
  • Ngoài ra, thành phần này còn được cho là hiệu quả trong việc ngăn ngừa một số bệnh lý như: Mất trí nhớ, loãng xương, đau thần kinh, trầm cảm, làm chậm quá trình lão hóa,…

Đối với trẻ nhỏ:

  • Axit folic có thể tăng sự linh hoạt khi sử dụng ngôn ngữ của trẻ nhỏ, giảm được tỷ lệ trẻ em mắc chứng chậm phát triển ngôn ngữ.
  • Dưỡng chất này còn có vai trò ngăn ngừa dị tật bẩm sinh trong ống thần kinh của khu vực quanh hệ thần kinh trung ương vì những ống này không khép kín và có liên quan đến não, tủy sống. Nếu trẻ nhỏ không có não, hộp sọ sẽ khó kéo dài sự sống hay bị nứt đốt sống dẫn đến khuyết tật suốt đời.
Axit folic có thể tăng sự linh hoạt khi sử dụng ngôn ngữ của trẻ nhỏ
Axit folic có thể tăng sự linh hoạt khi sử dụng ngôn ngữ của trẻ nhỏ

Cách dùng và liều dùng Acid Folic

Liều dùng Axit Folic cho từng đối tượng khác nhau sẽ khác nhau, cụ thể:

1. Đối với người lớn

Trong trường hợp bị thiếu máu hồng cầu to:

  • Dùng 1mg Axit Folic đường uống hoặc tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da mỗi ngày 1 lần.
  • Dùng liên tục cho đến khi các triệu chứng lâm sàng của việc thiếu hụt folate và tình trạng huyết học cơ bản được bình thường.

Trong trường hợp bị thiếu axit folic:

  • Dùng 400 – 800 mcg uống hoặc tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch mỗi ngày 1 lần.
  • Những phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc đang trong giai đoạn sinh con nên dùng 800 mcg đường uống hoặc tiêm bắp, tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch mỗi ngày 1 lần.

2. Đối với trẻ em

Trường hợp trẻ bị thiếu acid folic:

  • Trẻ sơ sinh: Dùng 0,1 mg theo đường uống hoặc tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da 1 lần trong ngày.
  • Trẻ nhỏ dưới 4 tuổi: Cho trẻ dùng 0,3 mg theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da, tiêm bắp một lần mỗi ngày.
  • Trẻ nhỏ từ 4 tuổi trở lên: Dùng 0,4mg theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da mỗi ngày 1 lần.

Trường hợp trẻ nhỏ cần bổ sung vitamin và khoáng chất:

  • Trẻ sơ sinh thiếu tháng: Dùng 50mcg một ngày.
  • Trẻ sơ sinh đủ tháng và trẻ từ 1 – 6 tháng: Cho trẻ dùng 25 – 35mcg mỗi ngày.
  • Trẻ nhỏ từ 1 – 3 tuổi: Cho trẻ dùng 150 mcg mỗi ngày.
  • Trẻ nhỏ từ 4 – 8 tuổi: Dùng 200 mcg mỗi ngày.
  • Trẻ từ 9 – 13 tuổi: Cho trẻ dùng 300 mcg một ngày.
  • Trẻ trên 14 tuổi: Dùng 400 mcg mỗi ngày.

Việc dùng Axit Folic bằng đường uống hoặc đường tiêm cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ, không dùng với liều lượng nhiều hơn hoặc thời gian dài hơn so với quy định.

Cho trẻ dùng đúng liều lượng được chỉ định
Cho trẻ dùng đúng liều lượng được chỉ định

Chỉ định và chống chỉ định dùng Axit Folic

Mặc dù Acid Folic mang đến nhiều công dụng và dùng cho nhiều đối tượng khác nhau, tuy nhiên bạn cần tìm hiểu kỹ về đối tượng nên và không nên sử dụng để tránh gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Thuốc Axit Folic được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:

  • Đối tượng thiếu acid folic hoặc có nhu cầu phòng tránh các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu chất này.
  • Những người có chế độ ăn thiếu acid folic, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.
  • Đối tượng đang mang thai cần bổ sung dưỡng chất này cho cả mẹ và thai nhi.
  • Những người đang điều trị bệnh bằng thuốc kháng acid folic, đặc biệt là methotrexat.
  • Đối tượng bị bệnh động kinh đang điều trị bằng các loại thuốc hydantoin hoặc người đang điều trị bệnh thiếu máu khi nhu cầu acid folic tăng cao.

Đối tượng chống chỉ định dùng thuốc Axit Folic bao gồm:

  • Những người bị dị ứng với các thành phần của Acid Folic.
  • Người mắc bệnh thận hoặc đang trong quá trình chạy thận nhân tạo.
  • Đối tượng bị thiếu máu tan huyết hoặc thiếu máu ác tính.
  • Người bị nhiễm trùng hoặc nghiện rượu nặng.

Dược lý và cơ chế tác dụng của thuốc Axit Folic

Axit Folic là thuốc thuộc nhóm vitamin B. Khi vào trong cơ thể, thuốc được khử thành tetrahydrofolat – coenzym của nhiều quá trình chuyển hóa, trong đó có quá trình tổng hợp các nucleotid có nhân purin hoặc pyrimidin, từ đó ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp DNA.

Khi có vitamin C, axit folic được chuyển hóa thành leucovorin – chất cần thiết cho sự tổng hợp DNA và RNA. Acid folic được cho là yếu tố không thể thiếu cho sự tổng hợp nucleoprotein và tạo hồng cầu bình thường. Bên cạnh đó, dưỡng chất này cũng tham gia vào một số biến đổi acid amin và sự tạo thành cũng như sử dụng format.

Thuốc  Axit Folic giải phóng nhanh ở dạ dày và hấp thu chủ yếu ở giai đoạn đầu ruột non. Đối với acid folic trong thức ăn hàng ngày có thể hấp thu nhanh chóng và phân bố ở các mô bên trong cơ thể. Loại thuốc này được tích trữ chủ yếu dưới gan và tập trung tích cực ở dịch não tủy. Mỗi ngày có khoảng 4 – 5 mcg acid folic được đào thải qua đường nước tiểu. Bên cạnh đó, thành phần này có thể đi qua nhau thai và ở trong sữa mẹ.

Axit Folic là thuốc thuộc nhóm vitamin B
Axit Folic là thuốc thuộc nhóm vitamin B

Một số tác dụng phụ có thể gặp

Axit Folic mang đến nhiều công dụng tốt, tuy nhiên nếu không cẩn thận trong quá trình sử dụng, bạn có thể bị một số tác dụng phụ sau:

  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Nổi ngứa, phát ban, mề đay.
  • Sưng mặt, lưỡi, họng.
  • Chóng  mặt.
  • Khó thở.

Nếu bạn gặp những triệu chứng kể trên, hãy liên hệ ngay với bác sĩ và đến bệnh viện để được kịp thời xử lý.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc là hiện tượng xảy ra phản ứng hóa học giữa các thành phần có trong thuốc Axit Folic với các thành phần có trong loại thuốc khác. Khi tương tác thuốc có thể làm thay đổi hoạt động của thuốc, giảm hiệu quả sử dụng và tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ. Theo đó, Axit Folic có thể tương tác với một số loại thuốc sau:

  • Folat và Sulphasalazin: Khi dùng chung với với nhau có thể làm giảm khả năng hấp thu Folat.
  • Acid Folic và thuốc tránh thai: Các loại thuốc tránh thai đường uống có thể làm giảm chuyển hóa của Acid Folic, từ đó gây giảm folat và vitamin B12 ở mức độ nhất định.
  • Acid Folic và thuốc chống co giật: Nếu dùng chung 2 loại thuốc này sẽ khiến nồng độ thuốc chống co giật trong huyết thanh bị giảm.
  • Acid Folic và Cotrimoxazol: Khi được đưa và cơ thể sẽ làm giảm tác dụng điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ của Acid Folic.

Những lưu ý khi dùng thuốc Acid Folic

Trong quá trình dùng Acid Folic, để đảm bảo hiệu quả và tránh khả năng gặp tác dụng phụ, bạn cần chú ý:

  • Đối với bất kỳ đối tượng nào, trước khi dùng thuốc Acid Folic cần tham khảo ý kiến bác sĩ, đồng thời tuân thủ đúng chỉ định về cách dùng, liều lượng được đưa ra.
  • Hạn chế dùng rượu bia, thuốc lá trong quá trình sử dụng thuốc Acid Folic.
  • Tùy từng cơ địa và tình hình sức khỏe khác nhau, mức độ đáp ứng với thuốc sẽ khác nhau.
  • Trong quá trình dùng thuốc, nếu gặp bất kỳ biểu hiện nào, cần liên hệ ngay với bác sĩ.
  • Thông báo cho bác sĩ đầy đủ, chính xác những loại thuốc bạn đang dùng để tránh xảy ra tình trạng tương tác thuốc.
  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt, ánh nắng mặt trời và không để gần tầm với của trẻ em.
  • Nếu bạn quên liều, hãy sử dụng bù ngay sau khi nhớ ra. Tuy nhiên trong trường hợp thời điểm nhớ ra gần với liều dùng tiếp theo, bạn nên bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều mới bình thường, không nên dùng 2 liều quá gần nhau hoặc dùng gấp đôi liều lượng trong 1 lần.
  • Bạn nên bổ sung acid folic bằng cách sử dụng các thực phẩm chức năng hoặc tăng cường chế độ ăn với những loại thực phẩm giàu thành phần này để đảm bảo sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.
Nếu bạn quên liều, hãy sử dụng bù ngay sau khi nhớ ra
Nếu bạn quên liều, hãy sử dụng bù ngay sau khi nhớ ra

Acid folic có trong thực phẩm nào?

Acid folic có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày, tuy nhiên không phải ai cũng biết và chú ý đến điều này. Việc ăn những thực phẩm giàu acid folic có thể giúp bạn phòng tránh được các bệnh liên quan đến việc thiếu dưỡng chất này. Bạn đọc có thể thêm những loại thực phẩm sau vào thực đơn hàng ngày để cung cấp đầy đủ lượng acid folic cần thiết cho cơ thể:

Bí đao

Bí đao là một trong những loại quả chứa hàm lượng vitamin B9 dồi dào. Một bát bí đao có thể chứa đến 15% nhu cầu acid folic cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh đó, bí đao còn có chứa vitamin B1, B6, vitamin C, kali, niacin,…. nên rất có lợi cho sức khỏe.

Súp lơ xanh

Súp lơ xanh cũng là thực phẩm đứng đầu trong danh sách có chứa nhiều acid folic. Trung bình cứ nửa chén súp lơ xanh sẽ cung cấp 51 mcg vitamin B9, ngoài ra, thực phẩm này cũng có nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Súp lơ xanh rất dễ ăn, vì vậy bạn nên bổ sung nhiều hơn trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày.

Nấm

Các loại nấm có chứa hàm lượng acid folic cao, cùng protein, vitamin và chất chống oxy hóa. Không chỉ vậy đây còn được xem là thực phẩm có lượng mỡ, cholesterol, carbohydrate thấp nên rất thích hợp cho phụ nữ mang thai. Ăn nấm thường xuyên với lượng vừa đủ có thể làm giảm lượng mỡ trong máu, ngăn ngừa ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Tuy vậy, trong quá trình sử dụng nấm, bạn nên cẩn thận để tránh bị nhiễm độc.

Ớt chuông

Thực phẩm này có chứa nhiều axit folic và folate. Trung bình một chén ớt chuông có thể giúp bổ sung 10.5% nhu cầu axit folic cho cơ thể trong một ngày. Ngoài ra, trong ớt chuông còn có chứa nhiều vitamin B1, C, B6, kali, chất xơ,… tốt cho sức khỏe. Bạn nên bổ sung thực phẩm này hàng tuần vì ớt chuộng rất dễ tiêu hóa, thường có vị ngọt, mùi thơm và dễ chế biến thành nhiều món khác nhau.

Mùi tây

Đây được xem là gia vị vừa làm tăng hương vị cho món ăn, vừa giúp bổ sung những dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là vitamin B9, chất chống oxy hóa và một số nguyên tố vi lượng có khả năng ngăn ngừa ung thư, kháng viêm và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Mùi tây là thực phẩm giàu acid folic
Mùi tây là thực phẩm giàu acid folic

Đậu

Các loại đậu như: Đậu lăng, đậu nành, đậu Hà Lan,… có chứa lượng vitamin B9 dồi dào, đồng thời cung cấp nguồn đạm, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Trung bình 30g đậu đóng hộp có thể bổ sung 8% nhu cầu acid folic cần thiết cho cơ thể. Nếu ăn nửa chén đậu luộc có thể cung cấp 12% nhu cầu axit folic cho cơ thể.

Hoa quả và nước ép

Các loại trái cây rất tốt cho sức khỏe vì chúng có chứa rất nhiều dưỡng chất quan trọng, đặc biệt là acid folic. Do đó bạn có thể bổ sung trái cây ở dạng quả tươi hoặc ép nước, sinh tố để uống hàng ngày.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến Acid Folic cho bạn đọc tham khảo. Acid Folic vừa là tên một loại thuốc, vừa là tên một thành phần cần thiết cho cơ thể. Do đó bạn nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất này để phòng tránh bệnh tật cho cơ thể, đặc biệt là đối tượng trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên bất kỳ trường hợp nào cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android