Áp Xe Răng
Áp xe răng là biến chứng của nhiễm trùng chóp răng và sự phá hủy của các mô quanh răng. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ xuất hiện các túi mủ bao xung quanh chân răng, làm chết tủy dẫn đến các biến chứng như: Mất răng, viêm tủy, viêm xương, viêm hạch, làm tiêu xương hàm...
Định nghĩa
Áp xe răng là bệnh nha chu gây viêm nhiễm mô mềm xung quanh phần chân răng và có xuất hiện những túi mủ nhỏ ở nướu răng do vi khuẩn xâm nhập lâu ngày gây ra.
Vết áp xe răng có thể nhỏ hoặc to và đôi khi còn lan ra đến vùng cổ, tai. Tình trạng này khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu, ê buốt và nếu không điều trị dứt điểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Người bị áp xe răng có thể cảm nhận bằng cách ấn nhẹ vào vết thương sẽ thấy có một khối hỗn hợp chứa dịch và mủ bên trong. Vết áp xe có màu hồng hoặc màu đỏ sẫm, khi chạm vào sẽ thấy đau nhức. Thông thường, khối áp xe càng tấy đỏ thì người bệnh càng đau và căng tức. Nếu tình trạng ngày càng nặng có thể thấy đầu mủ nhọn và rất dễ bị vỡ ra làm ảnh hưởng đến khoang miệng. Không chỉ vậy, các vết áp xe có thể lan tới mô dưới da và lây ra khắp bộ phận khác theo đường máu.
Áp xe răng được phân thành nhiều loại khác nhau, ví dụ như: Áp xe răng sữa, áp xe răng cửa, áp xe tủy răng, áp xe răng hàm dưới, áp xe ổ chân răng, viêm áp xe răng, áp xe quanh thân răng, áp xe răng hàm dưới,...
Hình ảnh
Triệu chứng
Khi bị áp xe răng triệu chứng chính mà người bệnh gặp phải đó chính là đau nhức. Cảm giác đau nhức này sẽ diễn ra ở vùng gần răng và trong nướu. Đặc biệt nó xảy ra liên tục và trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị nhanh chóng.
Ngoài đau nhức, thì người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng khác như:
- Cơn đau theo thời gian sẽ lan đến những vùng như cổ, hàm hoặc tai, khi nằm xuống sẽ có cảm giác đau hơn.
- Răng bị nhảy cảm hơn với các đồ ăn nóng, lạnh. Ngoài ra còn thấy màu sắc răng bị đổi màu, lung lay và lỏng lẻo.
- Miệng sẽ có mùi hôi cực kỳ khó chịu.
- Nhiều trường hợp sẽ dẫn đến bị sốt, cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi…
Nguyên Nhân
Nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân gây áp xe răng, nhưng có thể kể đến một số lý do chính như:
- Áp xe răng xuất phát từ thói quen chăm sóc răng miệng không sạch sẽ, lâu ngày mảng bám hình thành tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ gây ra nhiễm trùng.
- Những bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm nướu… lâu ngày không được điều trị dứt điểm cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh mẽ.
- Ngoài ra, có thể do ngoại lực tác động hoặc va đập mạnh dẫn đến răng bị sứt mẻ, đây cũng là yếu tố làm cho áp xe răng phát triển nhanh hơn rất nhiều.
- Bên cạnh đó, những vấn đề về sức khỏe khác cũng là lý do khiến cho áp xe răng diễn biến nhanh hơn như bệnh tim mạch, tiểu đường… Bởi vì khi mắc những bệnh này sẽ làm cho hệ thống miễn dịch bị suy yếu và tăng nguy cơ nhiễm trùng răng.
Có thể thấy, áp xe răng được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, tùy vào nguyên nhân nào nha sĩ sẽ phân biệt làm hai trường hợp áp xe là: Áp xe quanh chóp răng và áp xe nha chu.
- Áp xe quanh chóp răng
Bệnh có thể được hình thành từ một răng bị sâu nhưng nếu không được điều trị sẽ tiến triển gây hoại tử tủy. Hoặc có thể do thể trạng kém, can thiệp quá mức vào vùng chóp trong điều trị tủy, chấn thương gây tổn hại chóp răng, tủy và các cấu trúc quanh chóp răng.
Vi trùng xâm nhập sau một thời gian khu trú tại ống tủy sẽ vượt qua chóp răng gây nhiễm trùng các cấu trúc quanh chóp. Nhiễm trùng quanh chóp sẽ lan theo nhiều phía và phát triển mạnh theo hướng có đề kháng ít nhất. Nhiễm trùng qua xương, đến vỏ xương làm bong vỏ xương tạo tổn thương dưới màng xương.
Nếu vi khuẩn tiếp tục di chuyển xuyên qua màng xương đến mô tế bào quanh hàm tùy theo vị trí giải phẫu của răng sẽ gây các biến chứng khác nhau: Áp xe tạo túi mủ, có lỗ dò ở vị trí răng tổn thương, viêm mô tế tế bào lan tỏa vùng sàn miệng, ngách hành lang…
Ngoài ra, bệnh cũng có thể hình thành do sang thương tiến triển từ sang thương nha chu. Nhiễm khuẩn từ túi nha chu kết hợp làm mất bám dính và lộ chân răng. Quá trình này tác động vào ống tủy phụ gây hoại tử tủy răng. Trong trường hợp bệnh nha chu nặng, nhiễm trùng tác động đến vùng chóp răng gây hoại tử tủy.
- Áp xe nha chu
Bệnh thường xuất phát từ những trường hợp như sự phá hủy mô nha chu do tác động của vi khuẩn đặc hiệu. Vi khuẩn hiện diện trong mảng bám, mảnh vụn thức ăn bị nhồi nhét ở kẽ răng và hoạt động gây viêm, mất bám dính, cuối cùng là hình thành túi nha chu. Vi khuẩn sẽ phát triển trong túi hình thành nên áp xe nha chu. Áp xe nha chu có thể là hậu quả của túi nha chu.
Chấn thương răng gây nứt, gãy răng cũng kích thích khiến tủy răng bị hoại tử. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác gây bệnh như: Trong quá trình ăn nhai các cạnh sắc nhọn của răng bị nứt, gãy tác động làm tổn thương các cấu trúc quanh răng. Hoạt động này lặp lại cũng gây nên áp xe nha chu khu trú tại vùng răng tổn thương.
Yếu tố nguy cơ
Áp xe là tình trạng chỉ chung cho các nhiễm trùng sưng viêm nặng xảy ra ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể. Tác nhân chính gây nên bệnh chính là vi khuẩn. Khi hệ miễn dịch nhận biết vi khuẩn là tác nhân gây bệnh, bạch cầu sẽ có vai trò tiêu diệt chúng, mủ chính là xác bạch cầu và vi khuẩn hòa cùng dịch cơ thể.
Áp xe răng cũng hình thành như vậy, đây thường là kết quả của tình trạng nhiễm trùng chân răng, xảy ra khi bên dưới đường nướu bị tổn thương, xoang sâu phát triển. Khi chân răng bị nhiễm trùng, nước bọt có tính sát khuẩn nhẹ không thể tác dụng tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn. Lúc này các mô nướu cũng có xu hướng rút hết chất lỏng nhiễm bệnh. Vì thế dịch mủ không thoát được ra ngoài qua đường nướu mà tích tụ trong chân răng, từ đó hình thành nên ổ áp xe.
Ở những trường hợp nặng, khi sâu răng làm nứt răng hoặc do chấn thương khác, vi khuẩn xâm nhập sâu vào trong tủy gây chết tủy. Đồng thời mủ tích tụ trong các đầu rễ của xương hàm, phát triển ngày càng lớn gây sưng viêm lan rộng ra khắp hàm.
Áp xe ở răng nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng ở răng, trong xương hàm và các mô xung quanh.
Biến chứng
Nếu không may mắc phải áp xe răng người bệnh sẽ cảm thấy vô cùng phiền toái và khó chịu bởi bệnh gây đau nhức dẫn đến tình trạng ăn không ngon và mất ngủ. Nếu được chữa trị kịp thời và dứt điểm vấn đề này sẽ không đáng lo ngại và ít xảy ra các biến chứng khác.
Tuy nhiên, áp xe răng nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, tình trạng bệnh sẽ diễn tiến xấu và dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Theo đó, các biến chứng nguy hiểm của áp xe có thể đến như:
- Người bệnh bị áp xe răng sẽ gây sưng tấy ở má kèm theo đau nhức, mưng mủ. Nếu các ổ mủ sưng to mà không vỡ sẽ gây ra đau nhức trong một thời gian dài, khiến việc ăn uống trở nên khó khăn. Tình trạng này để lâu sẽ dẫn đến răng bị lung lay, thậm chí mất hẳn răng nếu như không được can thiệp y tế kịp thời.
- Áp xe răng không được điều trị có nguy cơ gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng trong xương. Nhiễm trùng có thể lan rộng đến xương hàm làm tiêu xương, thậm chí biến chứng gãy xương.
- Ở một số trường hợp, áp xe lan ra khỏi xương vào mô mềm ở vùng mặt, xoang miệng và cổ gây ra viêm mô tế bào. Tình hình này dẫn đến phù nề, tắc nghẽn đường hô hấp dẫn đến tử vong nếu như không cấp cứu kịp thời.
- Vi khuẩn đi vào dòng máu gây nhiễm trùng máu, tình trạng này lan rộng đến các vùng khác của cơ thể. Đặc biệt ở những người có mắc các bệnh toàn thân như tiểu đường, tim mạch… sẽ làm bệnh thêm trầm trọng.
- Ngoài ra, còn một số biến chứng khác như áp xe não hoặc ảnh hưởng đến tim mạch. Các biến chứng này rất nguy hiểm, do đó người bệnh không nên chủ quan mà cần thăm khám răng miệng và có biện pháp điều trị ngay từ giai đoạn đầu.
Biện pháp chẩn đoán
Sau khi đến nha khoa để kiểm tra tình trạng răng miệng và chẩn đoán bệnh áp xe răng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm như:
- Dùng tay kiểm tra răng: Người bệnh nằm ngửa và há miệng để nha sĩ dùng tay kiểm tra vị trí khối áp xe. Khối áp xe sẽ nằm ở vị trí mà người bệnh cảm thấy đau nhất khi bác sĩ dùng lực ấn vào.
- Sử dụng các dụng cụ y khoa: Bác sĩ dùng các dụng cụ y khoa chuyên dụng để tác động lực lên vị trí bị áp xe và các vùng lân cận nhằm kiểm tra mức độ đau nhức.
- Chụp X-quang hoặc CT scan: Hình ảnh sau khi chụp giúp bác sĩ xác định tình trạng bệnh đã lan rộng và ảnh hưởng đến khu vực khác hay chưa.
- Chụp CT là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X: Tia X sau khi được chiếu qua cơ thể sẽ có một phần được giữ lại. Phần tia X còn lại đó được hệ thống cảm biến bộ phận xử lý dữ liệu theo phương pháp điện toán. Chỉ với một lần quét duy nhất, chụp CT đã có thể cho ra hình ảnh ba chiều rõ nét của toàn bộ hàm răng, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát tình trạng bên trong và đưa ra những chẩn đoán chính xác.
- Xét nghiệm: Đây là phương pháp giúp xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Biện pháp điều trị
Điều trị áp xe răng là vấn đề được rất nhiều người bệnh quan tâm hiện nay. Áp xe răng để lâu và không được loại bỏ kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Vậy đâu là phương pháp chữa bệnh phổ biến được nhiều người áp dụng?
Điều trị ép xe răng bằng phương pháp Tây y
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, tình trạng viêm nhiễm, áp xe nặng hay nhẹ, bác sĩ chuyên khoa sẽ đề ra phương pháp điều trị thích hợp. Theo đó một số phương pháp điều trị áp xe răng có thể được chỉ định bao gồm:
- Điều trị tủy răng: Quá trình chữa tủy răng có thể giúp bệnh nhân bảo vệ răng thật và loại bỏ sự lây nhiễm vi khuẩn. Khi áp dụng phương pháp điều trị này, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành xác định vị trí của ổ áp xe bên trong mô tủy răng bị viêm nhiễm, sau đó loại bỏ hoàn toàn. Điều này giúp đảm bảo tủy răng không bị sót lại. Sau khi loại bỏ tủy răng bị viêm, ống tủy sẽ được trám bít lại. Cuối cùng sử dụng phương pháp bọc răng sứ để bảo vệ răng.
- Sử dụng thuốc kháng sinh: Đối với những trường hợp có tình trạng nhiễm trùng được giới hạn ở các vị trí áp xe, việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh là điều không cần thiết. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiễm trùng phát triển mạnh, lây lan đến hàm, những răng bên cạnh và các khu vực khác, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bạn sử dụng một đơn thuốc có chứa thuốc kháng sinh.
- Chỉnh hình khớp cắn: Nếu tình trạng áp xe răng xảy ra do chấn thương khớp cắn và bác sĩ nhận thấy phương pháp chỉnh nha có hiệu quả sẽ chỉ định bạn điều trị viêm mủ kết hợp với nắn chỉnh khớp cắn.
- Nhổ bỏ răng bị ảnh hưởng: Nhổ bỏ răng bị ảnh hưởng được xác định là phương pháp điều trị cuối cùng của bệnh áp xe răng. Phương pháp điều trị này sẽ được áp dụng khi răng bị viêm nhiễm nặng và không thể giữ lại. Khi đó, bác sĩ nha khoa sẽ giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nhiễm trùng bằng cách nhổ răng và loại bỏ ổ áp xe.
Chữa bệnh an toàn bằng mẹo dân gian
Một trong những phương pháp được nhiều người tin tưởng và áp dụng hiện nay chính là điều trị áp xe răng tại nhà. Mẹo dân gian tận dụng các nguyên liệu tự nhiên có sẵn nên vô cùng đơn giản, dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí, lành tính và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, những phương pháp này thường phải kiên trì, mất nhiều thời gian và chỉ phù hợp ở thể trạng bệnh nhẹ.
- Baking soda: Đây là một lựa chọn hợp lý để điều trị răng bị áp xe, giúp loại bỏ mảng bám trong miệng rất tốt, đồng thời cũng có đặc tính kháng khuẩn nên giúp làm giảm viêm nhiễm trong miệng hiệu quả. Cách thực hiện như sau: Lấy 1 muỗng cà phê bột baking soda, thêm chút muối rồi hòa tan hoàn toàn vào 1 cốc nước. Dùng nước này ngậm trong miệng tối đa 5 phút rồi nhổ bỏ. Bạn nên thực hiện 2-3 lần mỗi ngày để cải thiện triệu chứng nhanh chóng.
- Tinh dầu Oregano: Theo nghiên cứu, dầu Oregano là một chất kháng khuẩn và chống oxy hóa mạnh mẽ. Nó có thể giúp giảm sưng và đau nhức răng khi bị áp xe. Để sử dụng nguyên liệu này, phải chuẩn bị tinh dầu Oregano và dầu vận chuyển để pha loãng. Trộn đều rồi nhỏ vài giọt hỗn hợp này vào một miếng bông gòn hoặc tăm bông sau đó chấm vào vị trí bị áp xe răng, giữ nguyên trong vài phút. Mỗi ngày bạn nên áp dụng tối đa 3 lần để tình trạng áp xe răng nhanh chóng được khắc phục.
- Chườm lạnh: Đây cũng là cách chữa áp xe răng tại nhà khá đơn giản mang đến hiệu quả giảm đau và sưng tức thì. Bạn chỉ cần đặt vài viên đá vào khăn mỏng, sau đó chườm lên má gần vùng răng ê nhức sẽ thấy triệu chứng được cải thiện tốt.
- Tinh dầu đinh hương: Dầu đinh hương đã được sử dụng từ thời xa xưa như một phương thuốc chữa đau răng tự nhiên nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống viêm rất tốt. Để chữa áp xe răng tại nhà bằng tinh dầu đinh hương bạn nên pha loãng trước khi sử dụng. Bạn nhỏ vài giọt tinh dầu đinh hương vào một cốc nước ấm để súc miệng hoặc ngậm trong 3 - 5 phút rồi nhổ bỏ. Thực hiện đều đặn 2 lần/ngày, bạn sẽ nhận thấy sự chuyển biến rõ rệt.
- Tinh dầu bạc hà: Tinh dầu này có tác dụng chống viêm, gây mê và cải thiện cơn đau răng nghiêm trọng. Hoạt chất Menthol trong tinh dầu tạo cảm giác mát lạnh mang lại cảm giác dễ chịu. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà còn hỗ trợ tiêu diệt một số loại vi khuẩn gây sâu răng, áp xe và nhiễm trùng răng. Cách thực hiện cũng khá đơn giản đó là trộn 5 giọt tinh dầu bạc hà với 1 muỗng dầu oliu để ngậm và súc miệng trong vòng 1 phút. Sau đó súc miệng lại bằng nước ấm giúp làm sạch khoang miệng. Mỗi ngày nên áp dụng cách này 2 - 3 lần, kiên trì thực hiện triệu chứng đau nhức răng sẽ giảm dần.
- Tỏi: Đây là một dược liệu tự nhiên với nhiều công dụng chữa bệnh, bao gồm cả khả năng giảm đau và tiêu diệt vi khuẩn, nhờ đó giúp cải thiện tình trạng đau nhức, sưng viêm nướu răng do áp xe gây ra hiệu quả. Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần dùng một củ tỏi, bóc sạch vỏ, đập dập rồi dùng xoa lên khu vực bị nhiễm khuẩn. Bạn có thể áp dụng phương pháp này 3-4 lần mỗi ngày sẽ nhận thấy tình trạng viêm nhiễm được khắc phục nhanh chóng.
Biện pháp phòng tránh áp xe răng
Để phòng ngừa áp xe răng, bạn cần khám nha khoa định kỳ và lấy vôi răng 6 tháng/lần nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về răng miệng. Cụ thể bạn cần chú ý những vấn đề sau:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng sau mỗi bữa ăn. Bạn cũng chải răng đúng phương pháp, dùng chỉ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng, loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám dính trên răng nhất là sau khi ăn đồ ngọt.
- Ngoài ra, hãy phục hồi các tổn thương của răng như: Trám các răng sâu, phục hình lại các răng mất, điều chỉnh các răng lệch lạc...
- Đồng thời, cần tránh chế độ ăn mất cân đối làm khiếm khuyết vitamin và muối khoáng; bổ sung nhiều nước để tránh khô miệng. Nếu bị khô miệng, hãy ăn kẹo không đường hoặc các loại chewing gum không đường để kích thích việc tiết nước bọt.
- Hạn chế những thức ăn dễ gây sâu răng như thực phẩm có chất bám dính, ngọt, dẻo...
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Bị áp xe răng nên ăn gì và kiêng gì là một trong những câu hỏi thắc mắc của nhiều người bệnh. Nhìn chung, nếu bị áp xe răng nhưng có một chế độ ăn uống hợp lý và khoa học sẽ giúp giảm tình trạng đau nhức và vùng bị tổn thương. Còn ở trường hợp ngược lại nếu người bệnh ăn những loại thức ăn gây kích ứng cho nướu răng sẽ khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn rất nhiều.
Các loại thực phẩm nên ăn khi bị áp xe răng
Điểm danh những thực phẩm bạn nên ăn khi có dấu hiệu ép xe răng là:
- Rau củ quả có nhiều chất xơ: Các loại thực phẩm này có tác dụng tăng khả năng tiết nước bọt, giúp làm sạch khoang miệng.
- Thực phẩm giàu các loại vitamin: Thực phẩm giàu vitamin như A, B, C, E có tác dụng rất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch giúp cho cơ thể mạnh khỏe hơn. Bên cạnh đó, vitamin còn tham gia vào quá trình tái tạo các tế bào mô nướu mới để khắc phục những tổn thương do áp xe răng gây ra và chống lại tác nhân gây hại cho sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, đây là chất rất cần thiết cho người mắc các bệnh lý về răng miệng.
- Những loại thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch: Ví dụ như sữa chua, tỏi, gừng,... sẽ hỗ trợ quá trình điều trị diễn ra nhanh hơn và hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, việc bổ sung các loại thực phẩm tăng cường hoạt động miễn dịch là rất cần thiết.
Những loại thực phẩm bị áp xe răng nên kiêng
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, bạn cần nắm rõ kiêng gì để tránh bệnh phát triển nặng. Cụ thể như sau:
- Bánh kẹo ngọt: Các loại bánh kẹo chứa hàm lượng đường cao và nhiều loại axit khác nhau có thể gây tổn thương đến vùng áp xe răng, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, hầu hết các loại bánh kẹo thường bám dính trên răng lâu và khó làm sạch hoàn toàn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, tấn công khoang miệng và làm tăng nguy cơ bệnh lý áp xe răng.
- Đồ uống có ga, chứa cồn: Mặc dù đồ uống có ga rất ngon, kích thích chúng ta ăn ngon miệng hơn nhưng với người bệnh bị áp xe răng thì đây là thực phẩm cần hạn chế sử dụng trong quá trình điều trị.
- Thực phẩm quá nóng, quá lạnh: Bệnh áp xe răng khi đã đến giai đoạn nặng sẽ rất nhạy cảm với nhiệt độ. Do đó, những đồ ăn quá nóng hay quá lạnh đều khiến cho nha chu dễ bị ê buốt hoặc kích ứng, tác động lên tế bào niêm mạc đang tổn thương. Thậm chí nó có thể làm vết áp xe răng bị tổn thương lan rộng, gây lở loét, đau nhức kéo dài…
- Đồ ăn nhanh, chiên rán: Với bất kỳ bệnh lý răng miệng nào, kể cả với áp xe răng nếu bạn muốn tình trạng bệnh nhanh được cải thiện đều cần phải loại bỏ các món ăn nhanh, đồ chiên rán ra khỏi thực đơn dinh dưỡng hàng ngày.
Chuẩn bị khi đi khám
Áp xe răng có cần phải đến gặp bác sĩ không là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Thực tế cho thấy là bệnh áp xe răng không thể tự biến mất mà chỉ khỏi khi bạn đến bệnh viện để thăm khám và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp.
Do vậy khi nhận thấy mủ hình thành ở vùng răng kèm theo biểu hiện sưng tấy, đỏ ửng, sốt và đau nhức nghiêm trọng, người bệnh nên liên hệ và báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để được xử lý.
Với bài viết chi tiết đây, có thể mọi người đã hình dung sơ lược những vấn đề liên quan đến bệnh áp xe răng. Nhìn chung, bệnh không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà còn có thể để lại biến chứng nhiễm trùng nguy hiểm. Do đó, bạn không nên chủ quan mà cần thay đổi thói quen sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe răng miệng của bản thân ngay từ hôm nay.
- Chuyên gia
- Cơ sở