Suy Dinh Dưỡng Bào Thai
Suy dinh dưỡng bào thai khiến trẻ sinh ra có cân nặng thấp bé hơn bình thường, chậm phát triển về cả thể chất và trí tuệ. Với trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí là dẫn đến tử vong. Để hiểu hơn về tình trạng suy dinh dưỡng bào thai cũng như cách phòng ngừa và khắc phục thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết dưới đây.
Định nghĩa
Suy dinh dưỡng bào thai là hiện tượng thai nhi kém phát triển về thể chất và não bộ so với tuổi thai thật. Tình trạng này thường xảy ra vào 3 tháng cuối của thai kỳ khiến tốc độ phát triển của não bị chậm lại. Khi trẻ sinh ra sẽ trở nên chậm chạp và kém thông minh hơn so với bạn bè. Ngoài ra, tình trạng này còn gây ra một số bệnh lý mạn tính ở trẻ như bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa, dị tật bẩm sinh,...
Hình ảnh
Triệu chứng
Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai sau khi sinh ra sẽ rất nhẹ cân mặc dù sinh đủ tháng, thường là dưới 2.5 kg. Chuyên gia cho biết, tình trạng suy dinh dưỡng bào thai được chia thành 3 cấp độ, ở mỗi cấp độ khác nhau thì ảnh hưởng đến bào thai cũng sẽ khác nhau. Cụ thể là:
- Mức độ nhẹ: Trẻ có chiều dài bình thường nhưng chỉ số cân nặng lại thấp hơn bình thường.
- Mức độ trung bình: Chỉ số cân nặng và chiều dài đều thấp hơn bình thường nhưng vòng đầu vẫn bình thường.
- Mức độ nặng: Cả ba chỉ số là vòng đầu, cân nặng và chiều dài đều thấp hơn bình thường.
Mẹ có thể phát hiện ra tình trạng suy dinh dưỡng bào thai thông qua việc thăm khám thai định kỳ. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành đo chiều cao tử cung và vòng bụng xem có tương ứng với tuổi thai hay không và xác định kích thước thai nhi.
Ngoài ra, tình trạng suy dinh dưỡng bào thai cũng có thể nhận biết dựa vào mức độ tăng cân của mẹ trong thời gian thai kỳ. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, thông thường thai phụ sẽ tăng từ 10 - 12kg trong thời gian thai kỳ. Nếu mẹ chỉ tăng khoảng 6kg trong suốt thời gian mang thai thì khả năng cao là bào thai đang bị suy dinh dưỡng.
Nguyên Nhân
Suy dinh dưỡng bào thai khiến trẻ sinh ra chậm phát triển hơn bình thường, nhiều trường hợp còn gây ra một số vấn đề bất thường về thần kinh. Vì thế, mẹ cần nắm rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này để chủ động hơn trong việc phòng ngừa. Một số yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi và dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng bào thai là:
1. Tuổi tác của người mẹ
Khi bước qua độ tuổi 30, cơ thể mẹ bắt đầu có dấu hiệu lão hóa. Nếu mẹ mang thai vào thời điểm này, cơ thể sẽ không thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho thai nhi như thời còn trẻ. Vì thế, mang thai ngoài 30 là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai. Đồng thời, mang thai khi tuổi tác cao còn khiến trẻ sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh và mắc hội chứng down. Vì thế, sinh con muộn là điều không an toàn cho thai nhi. Chuyên gia khuyến khích, thời điểm sinh con tốt nhất đối với phụ nữ là 25 - 30 tuổi.
2. Sức khỏe của người mẹ
Sức khỏe người mẹ là yếu tố quyết định rất lớn đến sức khỏe của con khi sinh ra. Thông thường, mẹ khỏe mạnh sẽ sinh ra con khỏe mạnh và ngược lại. Nếu mẹ mắc phải các bệnh lý nhiễm khuẩn cấp trong giai đoạn thai kỳ thì con sinh ra rất dễ bị dị tật bẩm sinh. Trường hợp mẹ đang mắc các bệnh lý mãn tính như viêm gan, thấp tim,... thì nên điều trị khỏi rồi hãy mang thai để đảm bảo cho sức khỏe của con khi sinh ra.
3. Dinh dưỡng của người mẹ
Trong giai đoạn thai kỳ, dinh dưỡng của mẹ sẽ đồng thời nuôi sống cơ thể mẹ và cung cấp dưỡng chất để nuôi dưỡng thai nhi. Vì thế, nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể mẹ vào thời điểm này sẽ cao gấp nhiều lần so với bình thường. Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, thực đơn ăn uống của mẹ bầu cần cung cấp đầy đủ tinh bột và đạm để xây dựng tổ chức cơ quan cho trẻ. Đồng thời, mẹ cũng nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi để ngăn ngừa tình trạng còi xương và thiếu máu ở trẻ khi sinh ra.
4. Nhau thai kém phát triển
Nhau thai là cơ quan trung gian giúp truyền tải dinh dưỡng, máu và oxy từ cơ thể mẹ sang thai nhi. Đồng thời, nhau thai còn có chức năng kiểm soát nồng độ hormone vận chuyển vào bào thai. Nếu nhau thai kém phát triển sẽ khiến quá trình vận chuyển dưỡng chất vào thai nhi bị ảnh hưởng. Điều này đã khiến cho thai nhi không được cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết, dẫn đến tình trạng còi cọc và kém phát triển. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mẹ bầu ăn uống đầy đủ và tăng cân nhiều trong quá trình mang thai nhưng em bé sinh ra vẫn bị suy dinh dưỡng.
5. Bổ sung canxi sớm
Việc mẹ bầu bổ sung canxi quá sớm sẽ khiến thai nhi không hấp thu hết và dẫn đến tình trạng thừa canxi. Lúc này, hàm lượng canxi dư thừa sẽ lắng đọng tại bánh rau và làm suy giảm chất lượng bánh rau. Điều này đã làm cho quá trình trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi bị giảm sút, khiến thai nhi chậm phát triển và gây suy dinh dưỡng.
6. Điều kiện lao động của mẹ
Khi mang thai, cơ thể mẹ phải dành một phần lớn năng lượng để phục vụ cho sự phát triển của thai nhi và dự trự sữa cho con bú. Nếu mẹ lao động quá vất vả trong thời gian thai kỳ sẽ khiến thai nhi không có đủ năng lượng để phát triển. Đồng thời, mẹ cũng có nguy cơ bị ít sữa và mất sữa sớm sau khi sinh. Vì vậy, mẹ không nên lao động nặng nhọc trong suốt thời gian thai kỳ. Thay vào đó, hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, giúp thai nhi có thể phát triển một cách tốt nhất.
Biến chứng
Suy dinh dưỡng bào thai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ khi chào đời. Một số hậu quả có thể gặp phải khi trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai là:
- Cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết để phát triển hệ thống miễn dịch. Điều này đã khiến cho chức năng tự bảo vệ của cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng và dễ bị nhiễm khuẩn. Lúc này, trẻ rất dễ mắc các bệnh lý như viêm đường hô hấp, sởi, tiêu chảy,...
- Cân nặng và chiều cao của trẻ phát triển chậm hơn bình thường. Để cải thiện tình trạng này, mẹ cần cố gắng cho con bú sữa mẹ nhiều hơn bình thường. Trong suốt 2 năm đầu, mẹ cần theo dõi chi tiết cân nặng và chiều cao của con, Nếu có kết quả không khả quan, mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
- Trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng ở mức độ nặng với vòng đầu nhỏ khi sinh, nếu có thể sống sót vẫn sẽ để lại di chứng về thần kinh và có dấu hiệu chậm phát triển về trí tuệ. Lúc này, mẹ cần phối hợp với bác sĩ trong việc điều trị cho trẻ. Còn trường hợp nặng hơn, trẻ có thể chết ở giai đoạn sơ sinh.
Phòng ngừa
Trong thời gian thai kỳ, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bản thân để thai nhi có thể phát triển một cách tốt nhất. Dưới đây là một số điều mà mẹ bầu cần lưu ý để phòng ngừa tình trạng suy dinh dưỡng bào thai:
- Thực đơn ăn uống của mẹ bầu cần đa dạng các nhóm dưỡng chất nạp vào cơ thể. Bạn có thể ăn từ 4 - 5 bữa/ngày để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho thai nhi.
- Không tiêu thụ nhóm thực phẩm chứa chất kích thích trong thời gian thai kỳ như rượu bia, cà phê, thuốc lá,...
- Trong cả quá trình mang thai, mẹ cần tăng từ 9 - 14kg với trường hợp thai đơn và 15 -20 kg với trường hợp thai đôi.
- Không nên làm việc quá sức mà hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi giúp cơ thể phục hồi năng lượng. Mỗi ngày mẹ bầu nên dành một ít thời gian để tập yoga hoặc đi bộ nhẹ nhàng.
- Luôn giữ tinh thần luôn vui vẻ và lạc quan, tránh rơi vào trạng thái căng thẳng hoặc mệt mỏi kéo dài.
- Khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa. Bổ sung đầy đủ các nhóm vitamin cần thiết cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Như được nhắc đến ở trên, suy dinh dưỡng bào thai để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nếu được khắc phục đúng cách, cơ thể trẻ vẫn có thể phát triển trở về trạng thái đạt chuẩn và hoạt động một cách bình thường. Vì thế, cha mẹ cần đặc biệt chú trọng đến việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ khi sinh ra. Dưới đây các cách khắc phục chứng suy dinh dưỡng bào thai ở trẻ sau khi sinh mẹ có thể tham khảo:
- Sau khi trẻ được sinh ra mẹ cần ủ ấm trẻ thường xuyên vì lúc này cơ thể trẻ rất nhạy cảm, dễ bị cảm cúm và ốm sốt. Đồng thời, mẹ cũng nên ôm con thường xuyên hoặc đặt ngay bên cạnh ngay khi đi ngủ để con không bị nhiễm lạnh.
- Thay băng rốn thường xuyên giúp bé cảm thấy thoải mái và ăn ngủ tốt hơn. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về cách tắm rửa cho trẻ sơ sinh tại nhà. Tắm rửa đúng cách sẽ loại bỏ được vi khuẩn tồn tại trên cơ thể trẻ và giúp trẻ tránh khỏi các bệnh lý nhiễm khuẩn thông thường.
- Trong vòng 30 phút sau sinh, mẹ nên cho bé bú ngay. Đồng thời, mẹ cũng nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và nên cho trẻ bú nhiều lần hơn bình thường. Ở giai đoạn này, sữa mẹ là nguồn cung cấp dưỡng chất tốt nhất cho trẻ.
- Theo dõi sát sao chỉ số đường huyết và canxi trong máu của trẻ để sớm phát hiện dấu hiệu bất thường và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Cho trẻ tiêm phòng vacxin đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ y tế.
- Cho trẻ ăn bổ sung khi đã được 6 tháng tuổi. Khẩu phần ăn của trẻ phải cân bằng đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết để trẻ có thể phát triển về cả chiều cao và trí tuệ, phòng ngừa tình trạng thấp còi do suy dinh dưỡng về sau.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung thêm vitamin A và vitamin D cho bé. Mẹ nên cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng sớm để cơ thể trẻ tự tổng hợp vitamin D tự nhiên. Cho trẻ tiêu thụ các loại thực phẩm giàu vitamin A và D như cà rốt, khoai lang, đậu phụ, nấm,...
- Chuyên gia
- Cơ sở