Vì Sao Hay Bị Chuột Rút và Tê Chân? Cách Khắc Phục

Hay bị chuột rút và tê chân là tình trạng khá nhiều người gặp phải khi hoạt động sai tư thế, ngồi đè lên chân quá lâu hoặc cũng có thể là do cơ thể thiếu chất. Tuy nhiên nếu tình trạng này diễn ra với tần suất ngày càng nhiều kèm theo các dấu hiệu đau nhức chân tay thì lại liên quan đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nên không được chủ quan.

Hay bị chuột rút và tê chân do những nguyên nhân nào?

Bị chuột rút hay bị tê chân là tình trạng chắc chắn ai cũng từng gặp phải ít nhất một lần. Các nguyên nhân gây ra triệu chứng này rất đa dạng, thường là do bạn ngồi quá lâu ở một tư thế, chỉ cần đứng lên đi lại một chút là sẽ hết ngay. Tuy nhiên nếu tình trạng này diễn ra liên tục và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của bạn thì lại cho thấy đây là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang gặp vấn đề và cần được giải quyết ngay.

Hay bị chuột rút và tê chân
Hay bị chuột rút và tê chân thường do lối sinh hoạt không phù hợp nhưng cũng có thể liên quan đến một số bệnh lý khác

Hay bị chuột rút và tê chân do những nguyên nhân nào gây ra?

Các nguyên nhân thường gặp

Người già, phụ nữ có thai hay những người có tính chất công việc phải ngồi lâu trong một tư thế, người thừa cân béo phì sẽ rất dễ gặp tình trạng tê chân và chuột rút. Các tác nhân thường gặp này thường không quá nguy hiểm, trạng thái chân tê và chuột rút chỉ diễn ra trong một vài phút, nếu bạn đứng lên đi lại hay massage nhẹ nhàng thì sẽ được cải thiện ngay.

Cụ thể, những nguyên nhân phổ biến khiến bạn hay bị chuột rút và tê chân bao gồm

  • Làm việc quá sức: nếu bạn là người thường xuyên mang vác, vận động, đi bộ đường dài nhiều nhưng lại không có biện pháp chăm sóc, thư giãn cơ đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng thường xuyên bị tê bì chân tay, chân dễ bị chuột rút ngay sau khi vận động xong hoặc vài tiếng sau mới bị, thường là về đêm. Nguyên nhân là do lượng đường ở gan bị tiêu hao quá mức nên việc không nạp đủ calo cũng như thư giãn đầy đủ sẽ gây ra tình trạng này.
  • Duy một tư thế quá lâu: ở những người làm các công việc văn phòng hay các nhân viên lễ tân cũng rất hay bị chuột rút và tê chân. Duy trì một tư thế quá lâu sẽ làm máu huyết kém lưu thông, các cơ bị căng thẳng và dẫn đến tê chân. Sau đó nếu bạn di chuyển đột ngột sẽ khiến cho các bó cơ co lại nhanh chóng và gây ra tình trạng chuột rút.
  • Do căng thẳng: stress căng thẳng hoàn toàn có thể chính là nguyên nhân khiến bạn hay bị chuột rút và tê chân. Căng thẳng, lo lắng nhiều có thể kích hoạt một số hormone làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim nên cũng gây ra các triệu chứng tê chân, chuột rút khó chịu. Ở những người gặp các bệnh tâm lý cũng thường xuyên cảm thấy chân tay tê bì nhức mỏi.
  • Cơ thể thiếu nước:  cơ thể thiếu nước sẽ dẫn đến mất cân bằng chất điện giải nên sẽ gây ra trạng thái chuột rút đột ngột, co cơ làm tê chân. Tình trạng này dễ xảy ra ở những người uống ít nước, người mới đi ngoài nắng về.
Hay bị chuột rút và tê chân
Bà bầu là đối tượng rất dễ bị chuột rút và tê chân
  • Hay bị chuột rút và tê chân ở bà bầu: Bị tê bì chân tay khi mang thai  có xu hướng nghiêm trọng hơn về tháng cuối, một số người còn bị sưng phù chân. Nguyên nhân có liên quan đến sự thay đổi các hormone trong cơ thể kết hợp với việc thiếu nước, thiếu canxi và một số khoáng chất khác. 
  • Do trọng lượng cơ thể: tình trạng tê chân, hay bị chuột rút có thể xuất hiện nhiều ở những người thừa cân béo phì. Do trọng lượng từ phần trên cơ thể đổ dồn xuống phần chân gặp nhiều áp lực, máu huyết kém lưu thông hơn nên thường hay gặp các triệu chứng này.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: tất nhiên đây không phải là một nguyên nhân phổ biến ở nhiều người nhưng thường cũng không quá nghiêm trọng nên có thể xếp vào nhóm này. Một số loại thuốc phải dùng duy trì trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến tình trạng này như  lithium ( thuốc dùng cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực), cisplatin ( thuốc dùng cho các bệnh nhân ung thư), hydralazine (thuốc cho bệnh nhân huyết áp cao), amitriptyline ( thuốc cho bệnh nhân trầm cảm).. 

Hay bị chuột rút và tê chân do thiếu chất 

Thường xuyên bị tê chân và chuột rút cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang bị thiếu chất nên tuyệt đối không được chủ quan. Đây cũng là lý do khiến tình trạng này thường gặp ở các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai hay người già. 

Hay bị chuột rút và tê chân
Tê chân, chuột rút có thể là dấu hiệu của thiếu máu

Những chất bị thiếu hụt có thể gây ra tình trạng hay bị chuột rút và tê chân bao gồm

  • Thiếu sắt, thiếu máu: các chi nếu không nhận được lượng máu cần thiết sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng chân tay tê bò và bị chuột rút. Các triệu chứng kèm theo khi bị thiếu máu chính hay bị bị đau đầu, chóng mặt. Chẳng hạn khi bạn đang ngồi và đứng dậy mà thấy đầu choáng váng, chân tay tê bì kèm chuột rút thì là dấu hiệu thiếu máu khá rõ ràng
  • Thiếu canxi: chuột rút thường xuyên là dấu hiệu khá điển hình của việc cơ thể đang thiếu canxi. Đồng thời canxi là một dưỡng chất quan trọng trong hệ thống xương khớp nên việc thiếu chất này cũng khiến xương yếu hơn, dễ bị co cứng, kém linh hoạt nên cũng dễ bị tê chân. 
  • Thiếu Magie: Trong hệ thống cơ bắp, magie chiếm đến 27% nên việc thiếu chất này cũng sẽ gây ra tình trạng hay bị chuột rút. Mặt khác do magie còn có nhiệm vụ kiểm soát các xung thần kinh tại hệ thống thần kinh, tham gia vào quá trình hình thành xương và cơ nên cơ thể thiếu chất này làm chân tay bị tê hơn. 
  • Thiếu Kali: cơ thể nếu bị thiếu kali có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng não và quá trình đưa oxy đến các cơ quan nên cũng gây ra tình trạng tê chân. Ngoài ra thiếu kali còn làm mất cân bằng chất điện giải và gây ra trạng thái tê chân. 

Thường xuyên bị tê và chuột rút là dấu hiệu của bệnh lý 

Mặc dù tê chân và chuột rút đều là tình trạng phổ biến rất dễ gặp, chỉ cần bạn ngồi chân bắt chéo trong vài tiếng sẽ bị tê chân nhanh chóng. Tuy nhiên nếu các triệu chứng này này diễn ra liên tục với tần suất tăng dần, mức độ tê cứng chân nghiêm trọng hơn và còn kèm theo các triệu chứng sức khỏe bất thường khác thì bạn không nên chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý.

Hay bị chuột rút và tê chân
Hay bị chuột rút và tê chân có thể là dấu hiệu của suy giãn tĩnh mạch chân

Hay bị chuột rút và tê chân có thể liên quan đến các bệnh lý sau

  • Bệnh suy giãn tĩnh mạch: là tình trạng các tĩnh mạch ở chân bị giãn ra và sưng phồng lên, có thể nhìn thấy rõ các đường gân xanh ngoằn ngoèo ở chân, có thể kèm theo cảm giác ngứa hay đau. Tình trạng này rất dễ xảy ra ở bà bầu do bị tử cung chèn ép và tăng áp lực tĩnh mạch ở chân. Nam giới cũng có thể gặp tình trạng này nhưng ít hơn. Bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng nếu có hình thành các huyết khối và di chuyển về phía tim, não, phổi nên không được chủ quan.
  • Bệnh tiểu đường:  hay bị chuột rút và tê chân  hoàn toàn có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường do lượng đường trong máu tăng cao làm tổn thương các dây thần kinh ngoại vi, tủy sống và dây thần kinh ngoại biên.  Một số triệu chứng điển hình khác như ngứa ran dưới da, đi tiểu nhiều, dễ có các vết loét và lâu lành, cơ thể mệt mỏi, thị lực giảm
  • Cơ thể bị nhiễm độc kim loại nặng: ở những người bị nhiễm độc chì, thạch tín (arsenic), cyanide, thủy ngân (mercury) hay các loại kim loại nặng khác cũng có thể xuất hiện các triệu chứng tê chân tay, chuột rút. Một số triệu chứng khác kèm theo như tiêu chảy, nôn ói, nhịp tim bất thường.. Tình trạng này thường gặp ở những người việc hay tiếp xúc với các hóa chất, kim loại nặng nhưng không có các trang phục phòng hộ phù hợp. 
  • Đau dây thần kinh tọa: các dây thần kinh tọa bị chèn ép sẽ gây ra cảm giác tê bì kéo dài từ thắt lưng xuống đùi, bắp chân, bàn chân đồng thời tình trạng chuột rút cũng nghiêm trọng hơn. Bệnh thường liên quan đến những bệnh lý trước đó chưa được điều trị triệt để như thoát vị đĩa đệm hoặc gai cột sống.
  • Loãng xương: nguyên nhân gây loãng xương thường do việc thiếu hụt canxi nên tình trạng hay bị chuột rút và tê chân  là điều khá hiển nhiên. Bệnh lý này thường gặp ở người lớn tuổi khiến xương khớp bị đau nhức, dễ biến dạng, dễ gãy dù chỉ có va chạm nhẹ nên tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. 
  • Một số vấn đề bệnh lý khác: một số bệnh lý cũng có thể liên quan đến tình trạng tê chân và chuột rút hay diễn ra như hạ đường huyết, thiếu máu,  bệnh Parkinson, mỡ máu cao, hội chứng ống cổ chân, hội chứng Raynaud, Hội chứng Guillain Barre hay một số rối loạn thần kinh khác..

Tất nhiên nếu tình trạng hay bị chuột rút và tê chân  là dấu hiệu của bệnh lý thì có thể tiềm ẩn rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe rất nguy hiểm nên người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan. Đi thăm khám bác sĩ ngay nếu phát hiện việc hay bị chuột rút và tê chân  có kèm theo các triệu chứng sau

  • Tần suất tê chân và chuột rút ngày càng nhiều, mỗi lần có thể diễn ra khá lâu
  • Cảm thấy đau nhức âm ỉ ở chân, đùi, thắt lưng mà không rõ nguyên nhân
  • Cảm thấy đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Chân tay tê nhức, chuột rút làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hằng ngày

Hay bị chuột rút và tê chân nên làm gì để cải thiện

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn hay bị chuột rút và tê chân. Nếu liên quan đến các bệnh lý bắt buộc người bệnh phải đến bệnh viện để làm các xét nghiệm, thăm khám và tìm ra chính xác nguyên nhân, từ đó mới đưa ra được phác đồ điều trị cuối cùng.

Các chia sẻ về hướng khắc phục sau đây chỉ giúp làm giảm các triệu chứng tê chân, chuột rút tạm thời, có thể áp dụng cho mọi trường hợp, không mang tác dụng điều trị bất cứ bệnh lý nào. Người bệnh nếu muốn an toàn hơn có thể tham khảo trao đổi với các bác sĩ để được hỗ trợ tốt nhất. 

Xoa bóp làm giảm tê chân, chuột rút 

Việc xoa bóp nhẹ nhàng sẽ giúp kích thích máu huyết lưu thông ổn định nên có thể cải thiện cả tình trạng tê chân và chuột rút. Bạn có thể dùng tay massage nhẹ nhàng tại chân trong vài phút sẽ cải thiện được các triệu chứng này. Nếu hiểu về kinh huyệt bạn có thể day ấn vào huyệt Thừa sơn ở sau bụng bắp chân cũng sẽ cho cải thiện rất tốt.

Hay bị chuột rút và tê chân
Xoa bóp massage chân sẽ giảm tê nhức và chuột rút nhanh chóng

Nếu không biết bấm huyệt bạn có thể dùng câu massage, bóng tennis hay các vật có hình tròn, có độ cứng phù hợp lên xung quanh vùng chân bị tê cứng, chuột rút cũng khiến bạn bất ngờ về hiệu quả. 

Thay đổi tư thế 

Nếu hay bị tê chân và chuột rút bạn có thể thử thay đổi tư thế một chút sẽ giúp cải thiện ngay được tình trạng này. Chẳng hạn đang ngồi thì bạn có thể từ từ đứng dậy đi lại nhẹ nhàng một chút, điều này cũng kích hoạt được máu huyết lưu thông, giảm ngay trạng thái co cứng. Cảm giác tê chân cũng từ đó nhanh chóng biến mất. 

Hầu hết chuột rút thường xuất hiện sau khi bạn bị tê chân nên hãy tránh việc đứng lên quá đột ngột. Nhẹ nhàng đứng dậy hoặc ngồi xuống, duỗi thẳng chân, đưa chân bị chuột rút về phía trước và dồn trọng lượng cơ về phía trước trong 30s cũng sẽ giải quyết nhanh chóng tình trạng này. 

Một lưu ý nho nhỏ là bạn nên đi chân trần, để các ngón chân chạm vào sàn và kéo căng ngón chân ra. Điều này sẽ đem lại hiệu quả nhanh hơn trong việc cải thiện tình trạng tê chân và chuột rút.

Uống nước ấm 

Nếu tình trạng hay bị chuột rút và tê chân xuất hiện sau khi vừa vận động, vừa đi ngoài nắng về thì việc uống đủ nước có thể cải thiện được các triệu chứng này nhanh chóng. Bạn có thể sử dụng các loại nước khoáng giúp bổ sung chất điện giải hay nước dừa để mang đến tác dụng tốt hơn. 

Chườm ấm và ngâm nước ấm 

Ngâm nước ấm hay chườm ấm không chỉ giúp giảm tê chân, chuột rút mà còn là một liệu pháp giúp thư giãn chân đơn giản, có thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp, rất phù hợp với những người bị tê cứng chân do máu huyết kém lưu thông. 

Hay bị chuột rút và tê chân
Ngâm chân là liệu pháp giúp chân thư giãn tuyệt vời

Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần dùng túi chườm đắp trực tiếp lên chân. Nếu không có túi chườm bạn có thể dùng khăn mềm nhúng với nước ấm, vắt hơi ráo rồi cuốn quanh chân vào phút. Ngâm chân với nước ấm mỗi cuối ngày sẽ vừa giảm tình trạng tê bì chân, giúp chân thư giãn và nâng cao chất lượng giấc ngủ. Bạn có thể kết hợp với các loại thảo dược hay tinh dầu để tăng hiệu quả thư giãn tốt hơn.

Uống thuốc 

Thông thường nếu chưa biết chính xác là nguyên nhân nào thì bạn không nên tự ý dùng thuốc vì nếu điều trị sai cách có thể làm các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên trong một vài trường hợp người bệnh có thể được chỉ định các nhóm thuốc như Gabapentin và Pregabalin nếu liên quan đến các bệnh thần kinh; Diphenhydramine, Quinine, Mexiletine hoặc một số nhóm thuốc giảm đau chống viêm, các loại thuocs bổ sung khoáng chất khác. 

Dù vậy người bệnh nếu thấy tình trạng hay bị chuột rút và tê chân  ngày càng nghiêm trọng hơn thì nên đến bệnh viện có chuyên khoa về xương khớp, có đầy đủ trang thiết bị để được hỗ trợ điều trị tốt nhất. 

Phòng tránh nguy cơ hay bị chuột rút và tê chân 

Các nguyên nhân khiến bạn hay bị chuột rút và tê chân  rất đa dạng nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh hoặc hạn chế được. Thay đổi chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, vận động đúng cách sẽ giảm thiểu nguy cơ chèn ép mạch máu, thần kinh nên sẽ không gây ra trạng thái này. Với các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai và người đang cho con bú cũng nên chủ động bổ sung đầy đủ dưỡng chất hằng ngày để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.

Hay bị chuột rút và tê chân
Đảm bảo uống đủ nước, nhất là với người hoạt động ngoài trời nhiều sẽ phòng tránh được nguy cơ này

Cụ thể, để phòng tránh tình trạng hay bị chuột rút và tê chân  cùng các bệnh lý liên quan, bạn cần chú ý một số vấn đề sau

  • Đảm bảo uống đủ lượng nước hằng ngày, từ 2- 2,5 lít nước tùy thể trạng
  • Thay đổi thói quen ngồi, đi lại, tránh các tư thế nằm đè chân lên nhau
  • Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày, nếu không có thời gian thì bạn cũng nên cố gắng đi bộ khoảng 15- 30 phút hằng ngày
  • Đảm bảo bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thông qua nguồn thực phẩm hằng ngày. Nếu bị thiếu chất thì có thể tham khảo sử dụng các loại viên uống bổ sung để hỗ trợ, đặc biệt với phụ nữ có thai và người cao tuổi
  • Chọn giày dép và quần áo rộng rãi thoải mái, tránh việc đi mặc quần áo quá bó sát
  • Ngâm chân với nước ấm, tắm nước ấm mỗi cuối ngày để thư giãn toàn thân
  • Thay đổi tư thế làm việc cũng giúp ích cho những người hay bị chuột rút và tê chân 
  • Khi đi ngủ nên kê thêm một chiếc gối nhỏ dưới chân để máu huyết lưu thông ổn định hơn, giảm nguy cơ tê chân hay chuột rút về đêm
  • Tránh xa bia rượu, thuốc lá, chất kích thích hay các thực phẩm có hại cho cơ thể như đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên xào nhiều lần
  • Hạn chế đi giày cao gót quá cao hoặc vài tiếng nên thư giãn bàn chân một lần 

Hay bị chuột rút và tê chân có thể liên quan đến rất nhiều nguyên nhân, có thể nguy hiểm hoặc không nhưng bạn không nên chủ quan với bất cứ yếu tố nào. Thay đổi chế độ sinh hoạt lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng hằng ngày và thư giãn cơ thể đúng cách là những điều chúng ta cần thực hiện từ ngay bây giờ để hạn chế nguy cơ này. 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android