Khớp Gối Cấu Tạo Ra Sao? Chức Năng Và Vấn Đề Thường Gặp
Khớp gối là khớp lớn trên cơ thể, có chức năng nâng đỡ cơ thể và thực hiện các hoạt động di chuyển. Tuy nhiên, khớp này có cấu tạo khá lỏng lẻo nên rất dễ bị chấn thương khi bạn tham gia các hoạt động sống hàng ngày như chơi thể thao, tập thể dục,… Để hiểu rõ hơn về cấu tạo và chức năng của khớp gối, bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.
Khớp gối là gì? Chức năng của khớp
Khớp gối thuộc nhóm khớp đa dụng và là khớp lớn nhất trên cơ thể. Theo giải phẫu học, khớp gối là cơ quan nối liền cẳng chân với đùi. Cấu tạo khớp gối gồm có hai khớp nhỏ là khớp xương chày và khớp xương bánh chè. Các vận động có thể thực hiện tại khớp gối là mở rộng, uốn cong, xoay nhẹ vào bên trong hoặc ra ngoài. Ngoài ra, khớp gối còn là điểm kết nối giữa các đầu xương, dây chằng và sụn. Điều này đã giúp cho khớp có điểm tựa để chuyển động linh hoạt hơn và có thể chịu được trọng lượng của cơ thể.
Cấu trúc của khớp gối khá phức tạp và có sự liên kết chặt chẽ của nhiều cơ quan bên trong. Điều này đã giúp cho chúng có khả năng chịu lực cao và có thể vận động một cách linh hoạt. Chính vì thế, khớp gối là cơ quan nắm giữ rất nhiều chức năng quan trọng. Cụ thể là:
- Giúp cơ thể thực hiện các vận động một cách bình thường như đi bộ, chạy nhảy, đứng ngồi,…
- Đảm bảo sự xoay chuyển linh hoạt của đầu gối, giúp đầu gối có thể chuyển động theo nhiều chiều hướng khác nhau.
- Hỗ trợ chi dưới khi đứng, chịu trách nhiệm trong việc thực hiện động tác đứng lên, ngồi xuống, leo trèo,…
- Giảm xóc và giảm áp lực lên xương ống chân mỗi khi tiếp đất sau khi thực hiện động tác nhảy.
- Giúp giữ cân bằng và nâng đỡ cơ thể.
Cấu trúc của khớp gối
Khớp gối được cấu thành từ rất nhiều cơ quan khác nhau. Mỗi cơ quan cấu thành khớp gối đều đảm nhận một chức năng khác nhau, giúp đảm bảo tính ổn định và khả năng linh hoạt của khớp. Các cơ quan đó là:
+ Xương quanh đầu gối: Khớp đầu gối là điểm tiếp giáp của 3 xương lớn là xương ống chân, xương đùi và xương bánh chè. Ngoài ra, khớp gối còn có thêm một số xương mác chạy dọc xung quanh. Tại vùng khớp này, các đầu xương đều được bao phủ bởi một lớp sụn mịn trơn láng giúp hạn chế ma sát và phòng ngừa các tổn thương không mong muốn.
+ Sụn đầu gối: Sụn là cơ quan có độ đàn hồi rất tốt, giúp chống lại các chấn thương không mong muốn. Cấu tạo đầu gối gồm có hai loại sụn cơ bản là sụn khớp và sụn chêm. Chức năng của hai loại sụn này là:
- Sụn khớp: Loại sụn này có tác dụng bôi trơn, giúp khớp hoạt động linh hoạt hơn và phân tán đều lực lên khớp gối. Khi sụn khớp bị bào mòn sẽ khiến khớp dễ bị chấn thương, hư hỏng và ảnh hưởng đến cử động khớp. Điều này đã làm gia tăng nguy cơ khởi phát bệnh viêm khớp.
- Sụn chêm: Sụn chêm có cấu tạo từ nguyên bào sợi với hình dáng lưỡi liềm. Chức năng chính của sụn chêm là hấp thụ lực và ổn định khớp đầu gối. Nếu sụn chêm bị tổn thương sẽ khiến sụn khớp chịu áp lực nhiều hơn hình thường. Lâu dần sẽ gây ra bệnh viêm xương khớp hoặc thoái hóa khớp.
+ Dây chằng đầu gối: Dây chằng đầu gối có chức năng liên kết xương với nhau, giúp khớp gối luôn ổn định và mang lại sức mạnh cho khớp. Cấu tạo nên khớp gối có rất nhiều dây chằng nhưng sẽ gồm 5 dây chằng chính sau đây:
- Dây chằng chéo trước: Dây chằng này nằm ở sâu bên trong đầu gối. Chức năng chính của chúng là ngăn chặn xương đùi trượt về phía sau xương chày và xương chày trượt về phía trước xương đùi.
- Dây chằng chéo sau: Dây chằng chéo sau nằm ở đằng sau dây chằng chéo trước. Chức năng của chúng là ngăn không cho xương đùi trượt về phía trước trên xương chày và xương chày trượt về phía sau trên xương đùi
- Dây chằng bên: Tác dụng kết nối mặt bên của xương đùi và xương chày, hỗ trợ đầu gối thực hiện các chuyển động ngang.
- Dây chằng trung gian: Ngược với dây chằng bên, dây chằng trung gian có chức năng hạn chế các chuyển động ngang của đầu gối.
- Dây chằng xương bánh chè: Nhóm dây chằng này có chức năng gắn xương bánh chè vào xương đùi, giúp duy trì tính ổn định của khớp gối.
+ Cơ bắp và gân đầu gối: Hệ thống cơ bắp xung quanh đầu gối có chức năng duy trì tính ổn định của khớp gối, chúng liên kết với nhau khá tốt giúp cơ thể thực hiện các di chuyển một cách tốt nhất. Vùng đầu gối gồm có hai nhóm cơ chính là cơ bốn đầu và cơ gân kheo. Cơ bốn đầu có tác dụng hỗ trợ đầu gối thực hiện động tác duỗi thẳng, còn cơ gân kheo sẽ hỗ trợ đầu gối uốn cong.
Gân bánh chè được xem là một phần của cơ bốn đầu, chúng nằm ở mặt trước của đầu gối. Ngoài ra, tại vùng khớp này còn chứa một số cơ và gân nhỏ khác, có tác dụng hỗ trợ đầu gối chuyển động linh hoạt hơn.
+ Bao hoạt dịch khớp gối: Xung quanh khớp gối có khoảng 13 bao hoạt dịch với đa dạng kích thước. Trong các bao hoạt dịch này chứa đầy chất lỏng, có tác dụng làm miếng đệm giữa các đầu xương. Khi bạn vận động, các bao này sẽ hấp thụ lực và hạn chế ma sát giữa các cơ quan tại đây.
Ngoài ra, bao hoạt dịch còn có tác dụng bảo vệ xương bánh chè khỏi các chấn thương trực tiếp. Nhưng nếu bao hoạt dịch bị kích thích cũng sẽ gây ra triệu chứng sưng đau khá khó chịu.
+ Màng hoạt dịch khớp gối: Màng hoạt dịch khớp gối là lớp lót nằm ở khoảng không gian trống của khớp. Chức năng chính của chúng là tạo ra chất lỏng trong suốt có độ nhớt để bôi trơn khớp gối, chất lỏng này còn được gọi là chất lỏng hoạt dịch.
Chuyên gia cho biết, màng hoạt dịch khớp gối rất ít khi gặp vấn đề, nhưng nếu chúng bị kẹt giữa các đầu xương sẽ gây ra triệu chứng đau nhức khá khó chịu. Với những người bị viêm khớp, màng hoạt dịch sẽ tăng tiết dịch nhiều hơn bình thường. Lúc này, chất lỏng sẽ dần tích tụ tại khớp và kích thích phản ứng sưng viêm xảy ra.
+ Động mạch và tĩnh mạch: Xung quanh khớp gối có rất nhiều động mạch và tĩnh mạch, chúng hình thành nên một mạng lưới phân nhánh. Mạng lưới phân nhánh này gồm 6 nhánh chính, còn động mạch trung gian sẽ chạy dọc và xuyên qua khớp gối. Chức năng chính của động mạch và tĩnh mạch là vận chuyển máu đi nuôi dưỡng khớp gối.
Các vấn đề thường gặp tại khớp gối
Khớp gối là cơ quan nắm giữ rất nhiều chức năng quan trọng. Chúng vừa phải chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể, vừa phải tham gia vào rất nhiều chuyển động của cơ thể. Chính vì thế, khớp gối rất dễ bị chấn thương và khởi phát bệnh lý. Một số vấn đề thường gặp tại khớp gối là:
- Đau khớp gối: Đây là vấn đề về khớp gối thường gặp nhất. Tình trạng này xảy ra khi khớp gối gặp các vấn đề như chấn thương, bệnh lý,… Dựa vào nguyên nhân khởi phát cơn đau mà mức độ đau nhức ở mỗi trường hợp sẽ có sự khác nhau.
- Khô khớp gối: Tình trạng này xảy ra khi bao hoạt dịch tiết ra dịch nhờn ít hơn so với bình thường, không đủ để bôi trơn khớp. Khô khớp gối sẽ làm tăng ma sát giữa các đầu xương khi vận động. Lúc này, người bệnh phải đối mặt với triệu chứng đau khớp, cứng khớp, phát ra tiếng kêu tại khớp khi vận động và khó cử động khớp.
- Thoái hóa khớp gối: Bệnh khởi phát do sụn khớp bị hao mòn theo thời gian do ảnh hưởng từ quá trình lão hóa. Nếu người bệnh di chuyển, các đầu xương sẽ va chạm vào nhau gây sưng đau và cứng khớp.
- Tràn dịch khớp gối: Đây là hiện tượng chất lỏng bên trong bao hoạt dịch bị tràn ra bên ngoài. Chất lỏng này sẽ dần tích tụ bên trong khớp, kích thích phản ứng viêm xảy ra, gây sưng tấy kèm theo đau nhức khá khó chịu. Các nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối thường gặp là viêm khớp, chấn thương,…
- Chấn thương dây chằng: Chấn thương dây chằng xảy ra khi có lực tác động mạnh vào. Lúc này, dây chằng sẽ bị căng giãn quá mức hoặc đứt. Điều này đã khiến cho hoạt động của đầu gối bị mất đi tính ổn định và gây ra triệu chứng đau nhức khá khó chịu.
- Trật xương bánh chè: Trật xương bánh chè là hiện tượng xương bánh chè bị trượt ra khỏi vị trí ban đầu. Đây là được xem một dạng chấn thương đầu gối thường gặp, gây đau nhức ở mức độ nghiêm trọng và khiến người bệnh không thể di chuyển bình thường.
- Viêm gân xương bánh chè: Gân xương bánh chè là nhóm mô liên kết nối xương ống chân với xương bánh chè. Tình trạng viêm gân xương bánh chè thường khởi phát ở những người phải sử dụng khớp gối thường xuyên, đặc biệt là vận động viên thể thao. Ví dụ như vận động viên nhảy xa.
- Viêm khớp gối: Bệnh lý này thường khởi phát do bạn lạm dụng khớp gối quá mức hoặc do đầu gối bị chấn thương khi có lực tác động mạnh. Đây là hiện tượng xương sụn trơn bên trong khớp gối bị bào mòn và tổn thương. Lúc này, người bệnh phải đối mặt với triệu chứng viêm sưng và đau nhức khá khó chịu.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là bệnh lý tự miễn, có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể. Nếu bệnh không được điều trị đúng cách ngay từ sớm sẽ khiến khớp bị tổn thương vĩnh viễn, không thể phục hồi.
- Gout: Bệnh gout khởi phát do sự tích tụ của tinh thể muối acid uric tại khớp. Điều này đã kích thích phản ứng viêm xảy ra và gây ra triệu chứng đau nhức khá khó chịu. Khớp gối cũng là một trong những khớp dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh gout.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn: Bệnh lý này khởi phát khi có tác nhân gây hại tấn công vào khớp gối như virus, vi khuẩn, vi nấm,… Lúc này, khớp gối sẽ có triệu chứng viêm sưng và đau nhức, gây khó khăn khi thực hiện cử động tại khớp. Viêm khớp nhiễm khuẩn là bệnh lý không phổ biến, nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ phát sinh ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Biện pháp chăm sóc khớp gối
Để duy trì độ linh hoạt và chắc khỏe của khớp gối, bạn cần hình thành cho bản thân chế độ ăn uống và vận động tích cực. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
- Cần loại bỏ các thói quen xấu gây ảnh hưởng xấu đến khớp gối lao động quá sức, sử dụng khớp gối quá mức, vận động mạnh và đột ngột, vận động sai tư thế, lặp lại một động tác tại khớp gối nhiều lần, ngồi lâu hoặc đứng lâu một chỗ,…
- Nên cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, không thức quá khuya, thường xuyên vận động nhẹ hoặc đi lại để tránh khô khớp, nói không với thuốc lá,…
- Nên kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, cần giữ ấm vùng khớp gối khi trời chuyển biến lạnh, mang giày dép thấp và ôm vừa chân để tránh ảnh hưởng đến tuần hoàn máu,…
- Thực đơn ăn uống hàng ngày cần cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết để duy trì sức khỏe hệ xương khớp. Đặc biệt là vitamin D, canxi, omega-3, protein, chất chống oxy hóa,… Các loại thực phẩm lành mạnh bạn nên sử dụng là sữa và chế phẩm từ sữa, các loại hạt, thịt, cá, rau củ trái cây tươi,…
- Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp duy trì phạm vi vận động của khớp gối và tăng độ dẻo dai cho các mô mềm xung quanh. Các bộ môn thể thao tốt cho khớp gối mà bạn nên tập luyện là bơi lội, đạp xe, bơi lội,… Ngoài ra, đây còn là cách giúp giảm đau nhức và duy trì chức năng của xương, hạn chế nguy cơ mắc phải các vấn đề về xương khớp.
- Nếu đang mắc các bệnh lý về khớp, nên tiến hành thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị tích cực. Ví dụ như vật lý trị liệu, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dùng thuốc,…
Khớp gối là khớp lớn trên cơ thể và nắm giữ nhiều chức năng quan trọng. Khi khớp gối bị tổn thương mà không được xử lý đúng cách sẽ gây phá hủy khớp. Lúc này, chức năng của khớp gối sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ dẫn đến tàn tật. Vì thế, bạn nên có biện pháp bảo vệ và chăm sóc khớp gối sao cho phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!