Nang Baker
Nang baker là sự hình thành khối u nang chứa đầy hoạt dịch ở vùng khoeo chân. Điều này đã gây áp lực lên vùng khớp gối, hình thành nên triệu chứng đau nhức và ảnh hưởng đến khả năng vận động. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.
Định nghĩa
Nang Baker còn được gọi với cái tên khác là nang hoạt dịch vùng khoeo chân. Nguyên nhân chính hình thành nên bệnh là do sự tích tụ bất thường của dịch khớp ở vùng khoeo chân. Nang Baker là khối u chứa đầy dịch, khi chúng phát triển sẽ khiến người bệnh sẽ có cảm giác đau thắt hoặc phình to ở phía sau khoeo chân. Cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn thực hiện động tác kéo căng hoặc duỗi rộng đầu gối.
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, nang Baker là bệnh lý thường gặp và có thể thể xảy ra ở mọi đối tượng. Nếu bạn đã từng mắc phải các bệnh lý liên quan đến xương khớp như viêm xương, viêm khớp dạng thấp, chấn thương đầu gối gây rách sụn, gãy xương,... thì sẽ có nguy cơ khởi phát bệnh cao hơn bình thường.
Nang baker là bệnh lý lành tính nên không gây nguy hiểm đến tính mạng và không có khả năng tiến triển thành khối u ác tính. Với những trường hợp bệnh nhẹ, nang Baker sẽ có kích thước rất nhỏ và không gây ảnh hưởng đến hoạt động của khớp gối. Nhưng nếu không tiến hành xử lý, nang sẽ phát triển với kích thước ngày càng lớn gây căng tức tại khớp. Ngoài ra, khối u nang này còn có thể tạo áp lực lên khớp gối và kích thích khởi phát triệu chứng đau nhức.
Hình ảnh
Triệu chứng
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, biểu hiện lâm sàng của bệnh nang Baker khá mờ nhạt và không phải ai cũng gặp phải. Điều này đã khiến cho bạn gặp khó khăn trong việc nhận biết ra bệnh và có biện pháp can thiệp ngay từ sớm. Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh lý mà bạn cần lưu ý là:
- Ở vùng khoeo sau đầu gối có cảm giác căng tức kèm theo đau nhức. Khi bệnh chuyển biến nặng sẽ gây ra tình trạng tê cứng khớp xương, khiến người bệnh gặp khó khăn khi thực hiện động tác gập đầu gối.
- Dùng tay sờ vào vùng khoeo sau đầu gối, bạn có thể cảm nhận được các khối u dạng hình tròn ở bên dưới da nhưng với kích thước khá nhỏ. Tuy nhiên, kích thước khối u có thể thay đổi hoặc mất hẳn khi người bệnh gập cẳng chân.
- U nang được ví như quả bóng chứa đầy nước. Khi chúng phát triển với kích thước quá lớn sẽ vỡ ra. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác sưng đau nghiêm trọng tại khớp. Sau khi tình trạng sưng đau đi qua sẽ để lại vết lõm tại vết thương đã lành.
Khi thăm khám chuyên khoa, siêu âm sẽ được chỉ định thực hiện giúp xác định chính xác vị trí và kích thước của khối u nang. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể dựa vào đó để đánh giá mức độ tổn thương ở sụn chêm và sụn khớp.
Nguyên Nhân
Cấu tạo của khớp gối cũng tương tự các khớp khác trên cơ thể, chúng được bao bọc bởi bao khớp và tạo thành túi khép kín. Màng hoạt dịch là cơ quan che phủ túi khép kín này. Đồng thời, đây còn là cơ quan sản sinh ra chất hoạt dịch giúp nuôi dưỡng và bôi trơn sụn khớp.
Khi bạn mắc phải một số bệnh lý về xương khớp hoặc bị chấn thương khớp gối, bao hoạt dịch này sẽ tăng tiết dịch bất thường và gây ra tình trạng tràn dịch khớp gối. Nếu áp lực bên trong khớp gối tăng lên sẽ tạo ra một số bất thường tại khớp gối, điển hình nhất là thoát vị ra phía sau gối và hình thành nên u nang bao hoạt dịch. Khối u nang này được gọi là nang Baker, nằm ở vị trí giữa khoeo và dần to ra phía sau gối.
Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh nang Baker mà bạn cần lưu ý là tiền sử thấp khớp hoặc viêm xương khớp, đã từng chấn thương đầu gối hoặc rách sụn.
Phòng ngừa
Sau khi điều trị dứt điểm bệnh lý, các khối u nang Baker vẫn có thể tái phát trở lại khi gặp điều kiện thuận lợi. Để phòng ngừa tình trạng này xảy ra thì bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý và ổn định để tránh gia tăng áp lực lên khoeo chân mỗi khi đứng lên hoặc di chuyển.
- Không nên thực hiện các vận động tại khớp gối quá mức hoặc để tình trạng chấn thương tại khớp gối diễn ra thường xuyên.
- Nên từ bỏ thói quen tiêu thụ đồ uống có cồn hoặc hút thuốc lá. Chế độ ăn uống hàng ngày không nên chứa quá nhiều muối.
- Tuyệt đối không có tự ý sử dụng hoặc ngừng thuốc điều trị bệnh khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và hệ xương khớp, hạn chế nguy cơ bị chấn thương hoặc viêm khớp.
- Sau khi điều trị bệnh thành công, nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe và sớm phát hiện ra bất thường.
Biện pháp điều trị
Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng các loại thuốc kháng viêm và giảm đau để cải thiện triệu chứng của bệnh, tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Với trường hợp đau nghiêm trọng, bạn sẽ được tiêm thuốc corticosteroid vào khớp giúp giảm đau nhanh chóng và ngăn ngừa sự phát triển của khối u nang.
Khi cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị bằng cách can thiệp ngoại khoa giúp giải quyết dứt điểm tình trạng bệnh. Hai phương pháp can thiệp điều trị bệnh được áp dụng trong y khoa là:
- Chọc hút dịch: Được chỉ định thực hiện với những trường hợp không đáp ứng điều trị với thuốc Tây y. Lúc này, bạn cần đến gặp chuyên gia thấp khớp hoặc bác sĩ chỉnh hình để tiến hành chọc hút dịch bên trong khớp gối. Sau chọc hút dịch, thuốc corticosteroid sẽ được tiêm vào bên trong đầu gối để giảm viêm và ngăn ngừa quá trình tiết dịch tiếp tục diễn ra.
- Phẫu thuật: Với những trường hợp u nang Baker có kích thước quá lớn hoặc có biểu hiện chảy nước, bác sĩ sẽ yêu cầu làm phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn khối u ở bên trong. Tuy nhiên, việc phẫu thuật rất hiếm khi được chỉ định thực hiện để điều trị u nang Baker.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Khi khối u nang Baker phát triển với kích thước nhỏ và chưa gây ra triệu chứng bất thường, bạn có thể tiến hành điều trị bằng cách chăm sóc tại nhà đúng cách. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:
- Tiến hành chườm lạnh hoặc chườm nóng ngay tại vị trí xuất hiện khối u nang Baker trong khoảng 10 -15 phút để cải thiện triệu chứng đau nhức và viêm sưng. Bạn có thể thực hiện cách này nhiều lần trong ngày mỗi khi cơn đau xuất hiện.
- Trộn tinh dầu trầm hương với dầu dừa hoặc dầu oliu để bôi trực tiếp lên khu vực xuất hiện khối u nang rồi để qua đêm. Thực hiện cách này từ 1 - 2 lần/ngày, áp dụng đều đặn mỗi ngày cho đến khi tình trạng bệnh chuyển biến tốt.
- Tiến hành massage nhẹ nhàng ở khu vực bị ảnh hưởng giúp cải thiện triệu chứng viêm đau. Ngoài ra, massage còn có tác dụng cải thiện triệu chứng cứng cơ, giúp khớp vận động linh hoạt hơn.
- Ngâm mình trong nước ấm pha muối Epsom khoảng 20 phút mỗi ngày. Thành phần khoáng chất magie dồi dào trong muối có tác dụng giảm viêm sưng rất tốt, thích hợp sử dụng để cải thiện triệu chứng của bệnh u nang Baker.
- Thực hiện một số bài tập có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tại nhà như kéo giãn cơ gân khoeo, căng bắp chân khi đứng, trượt gót chân, dựa lưng vào tường, tập bước ngang,...
- Chế độ ăn uống hàng ngày nên tăng cường sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh có tác dụng kháng viêm như rau xanh đậm, bơ, socola đen, các loại đậu,... Hạn chế tiêu thụ thực phẩm ngọt nhiều đường, tinh bột, thực phẩm giàu chất béo, thịt đỏ,...
- Chuyên gia
- Cơ sở