Viêm Mũi Dị Ứng Mãn Tính

Tổng quan

Viêm mũi dị ứng mãn tính cùng với các tình trạng ngạt mũi, sổ mũi hay hắt hơi là nỗi ám ảnh của rất nhiều người, đặc biệt vào thời điểm giao mùa. Vậy làm sao để chúng ta nhận biết và có cách điều trị bệnh tốt nhất? Những thắc mắc này sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết trong bài viết sau.

Định nghĩa

Theo đánh giá từ các chuyên gia cho biết, bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính là thuật ngữ để chỉ chung cho bệnh viêm mũi dị ứng có thời gian khởi phát kéo dài hơn 12 tuần, bệnh tái phát liên tục và khó khăn để điều trị dứt điểm. Đây chính là tình trạng tổn thương tại phần niêm mạc của khoang mũi, niêm mạc bên dưới bởi viêm nhiễm khi gặp tác nhân gây bệnh.

Khác với viêm mũi dị ứng mãn tính, thể cấp tính kéo dài không quá 6 tuần, khiến người bệnh bị ngạt mũi, hắt hơi hay sổ mũi. Trong khi đó, thể mãn tính sẽ có những triệu chứng tương tự nhưng kéo dài lâu hơn và xảy ra khá thường xuyên. Bệnh nhân còn có thêm các biểu hiện rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý viêm xoang, dẫn tới không ít người áp dụng sai cách điều trị bệnh làm bệnh càng nặng hơn.

Thực tế viêm mũi dị ứng mãn tính không gây nguy hiểm tới tính mạng và cũng không có khả năng lây nhiễm từ người này qua người khác. Nhưng bệnh có những ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của bệnh nhân. Cùng với các cơn mệt mỏi, căng thẳng, bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng thể mãn tính còn chịu nhiều ảnh hưởng tới công việc.

Vì vậy, bệnh cần được phát hiện sớm, tìm hiểu đúng nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.

Hình ảnh

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng

Bệnh nhân khi bị viêm mũi dị ứng thể mãn tinh, ngoài các dấu hiệu viêm mũi điển hình thì các triệu chứng này sẽ kéo dài lâu hơn và mức độ nặng hơn. Những biểu hiện để bạn có thể nhận biết bệnh gồm:

  • Bệnh nhân hắt hơi liên tục, có thể bị theo cơn hoặc hắt hơi thành tràng dài.
  • Bạn có cảm giác ngứa mũi thường xuyên và đi kèm theo cả cảm giác đau nhức ở hốc mũi.
  • Nước mũi chảy nhiều, dịch nước loãng và trong, không có mùi. Nhưng theo thời gian, nước mũi sẽ chuyển sang màu vàng hoặc xanh nếu xảy ra bội nhiễm vi khuẩn.
  • Bị ngạt mũi: Niêm mạc mũi bị xung huyết kèm theo việc tiết nhiều dịch sẽ làm cho bệnh nhân cảm thấy khó thở, ngạt mũi và thường phải thở bằng đường miệng. Tình trạng này có thể dẫn tới chứng ngáy ngủ và sẽ nguy hiểm hơn khi gặp ở phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh.
  • Niêm mạc mũi bị phù nề, sưng đỏ: Chúng ta có thể quan sát được triệu chứng này bằng mắt thường hoặc thông qua nội soi mũi.
  • Ngoài ra, bệnh nhân còn bị mất mùi, giảm khứu giác, ho rát họng khi dịch mũi chảy xuống cổ họng. Đồng thời, đau nhức mắt và chảy nước mắt có thể xảy ra. Bệnh nhân mệt mỏi, sốt,  mất ngủ, ăn uống không ngon miệng.

Nguyên Nhân

Viêm mũi dị ứng nói chung đều có liên quan tới những yếu tố dị nguyên, các phản ứng dị ứng và đặc biệt cơ địa dị ứng ở từng người. Khác với các tình trạng dị ứng khác có thể phát tác trên toàn thân, viêm mũi dị ứng mãn tính sẽ chỉ có một biểu hiện tại chỗ của hệ hô hấp khi gặp dị nguyên.

Theo đó, nguyên do gây ra viêm mũi dị ứng mãn tính chủ yếu là bởi cơ thể bạn gặp phải những dị nguyên, chúng đi vào cơ thể với vai trò là kháng nguyên, kích thích tạo ra những kháng thể để trung hòa được kháng nguyên. Khi những phản ứng dị ứng này xảy ra một cách kịch liệt, quá mức sẽ dẫn tới các rối loạn dị ứng. Tình trạng này sẽ xảy ra ở ngay lớp nhầy của niêm mạc hô hấp trên như họng, mũi, xoang và dẫn tới các triệu chứng bệnh khá điển hình.

Các dị nguyên dễ dàng gây ra viêm mũi dị ứng gồm có:

  • Bụi, phấn hoa, sợi, vải, lông động vật, hơi hóa chất,...
  • Các loại ký sinh trùng: Mò, bọ chét, mạt gà, bào tử nấm mốc,...
  • Khói thuốc lá, khói nhà máy, khói đốt rác thải, khói bếp,...
  • Thực phẩm dễ gây dị ứng như thịt đỏ, cua, ốc, tôm,...
  • Một số loại thuốc dễ gây  dị ứng như nhóm kháng sinh beta lactam, aspirin,...
  • Thời tiết chuyển nóng lạnh đột ngột, ẩm ướt, giao mùa,...
  • Các loại vi khuẩn dễ gặp nhất là Hib, phế cầu, liên cầu, tụ cầu,..
  • Người có cơ địa dị ứng: Mề đay mãn tính, viêm da dị ứng, hen suyễn, tổ đỉa, eczema,...

Biến chứng

Mặc dù viêm mũi dị ứng mãn tính không trực tiếp đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân, nhưng sẽ gây ra không ít bất tiện trong sinh hoạt, công việc của bệnh nhân. Đồng thời, những triệu chứng của bệnh khi kéo dài và không được chăm sóc cẩn thận, đúng cách còn dẫn tới những biến chứng khá nặng nề như sau:

  • Bệnh nhân bị viêm xoang cấp hoặc mãn tính: Đây chính là biến chứng rất thường gặp ở những người bị viêm mũi dị ứng mãn tính. Bởi mũi và xoang là cấu trúc có liên quan rất mật thiết với nhau. Dịch mũi khi ứ đọng tại các hốc xoang sẽ hình thành nên những ổ viêm, gây ra bít tắc lỗ xoang, gây ù tai, đỏ mắt và đau nhức đầu.
  • Viêm họng mãn tính: Khi dịch tiết tại niêm mạc họng mũi bị ứng đọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm ở thành họng.
  • Polyp mũi: Bởi niêm mạc mũi bị viêm sưng, phù nề kéo dài nên bệnh nhân dễ bị polyp mũi.
  • Hen suyễn: Có thể bạn chưa biết, những yếu tố gây ra viêm mũi dị ứng cũng có thể dẫn tới khởi phát bệnh lý hen, đặc biệt ở những trường hợp có cơ địa dị ứng.
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Ngạt mũi hoàn toàn có thể gây ra tình trạng thiếu oxy cung cấp cho cơ thể khi ngủ và dẫn tới ngưng thở. Biến chứng này nguy hiểm hơn khi có nguy cơ dẫn tới chứng đột quỵ, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, thậm chí là đột tử. Ở phụ nữ đang có thai, chứng ngưng thở khi ngủ còn làm cho thai nhi không có đủ oxy, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và tăng nguy cơ dọa xảy thai, tiền sản giật.
  • Trầm cảm: Bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng mãn tính khi bị mất ngủ kéo dài có thể gây ra trầm cảm.

Phòng ngừa

Theo lời khuyên từ các chuyên gia, bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính có thể phòng ngừa tốt khi chúng ta áp dụng những cách thức dưới đây:

  • Tránh tiếp xúc với những tác nhân gây ra dị ứng, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp che chắn cũng như bảo vệ đường hô hấp bằng khẩu trang mỗi khi ra ngoài, đặc biệt ở những nơi khói bụi ô nhiễm, nơi đồng người, có nguy cơ bị dị ứng cao.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giặt giũ chăn ga, rèm, mành, gối, giữ cho không gian sống luôn sạch và thoáng mát.
  • Vệ sinh cá nhân mỗi ngày, chú ý sử dụng nước muối để súc họng sẽ có tác dụng sát khuẩn rất tốt.
  • Bạn hãy giữ ấm cơ thể mỗi khi trời trở lạnh, đặc biệt là mũi, cổ, ngực, lòng bàn tay, lòng bàn chân.
  • Cần có chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung các thực phẩm tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch. Tránh các thực phẩm dễ làm bạn bị dị ứng hoặc các chất kích thích gây hại.
  • Tập luyện thể thao thường xuyên và cân bằng chế độ nghỉ ngơi, làm việc sao cho hợp lý.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Vì liên quan mật thiết tới các yếu tố cơ địa dị ứng nên cho tới thời điểm hiện nay, viêm mũi dị ứng thể mãn tính khi chữa trị vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Những phương pháp chữa trị bao gồm dùng thuốc và cả không dùng thuốc đều có mục tiêu là cách ly dị nguyên cũng như đẩy lùi các triệu chứng. Ở một số ít trường hợp, bệnh nhân sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định phẫu thuật nếu đáp ứng đủ yêu cầu.

Hiện nay, chúng ta đang có những cách điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính như sau:

Cách ly các dị nguyên

Cách ly các dị nguyên chính là biện pháp được ưu tiên hàng đầu trong việc điều trị viêm mũi dị ứng mãn tính. Cách thức này sẽ giúp cho người bệnh cải thiện nhanh chóng các triệu chứng dị ứng cũng như ngăn chặn biến chứng có nguy cơ xảy ra. Theo đó, các bác sĩ gợi ý những giải pháp để cách ly khỏi dị nguyên gồm có:

  • Cần tìm hiểu cũng như xác định chính xác những tác nhân gây ra chứng dị ứng.
  • Chúng ta không tiếp xúc gần với lông động vật, bụi bẩn, phấn hoa, nấm mốc, hóa chất.
  • Cần đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài đường hoặc tới những nơi có nguy cơ bị dị ứng cao.
  • Hãy sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ những tác nhân gây ra viêm mũi dị ứng ở trong nhà.
  • Cần vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là các vật dụng cá nhân chăn ga, màn, gối, rèm cửa để tránh nấm mốc và vi khuẩn tồn đọng.
  • Không hút thuốc lá và cần hạn chế đến những nơi có khói thuốc.

Luôn vệ sinh mũi đúng cách

Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý là biện pháp mà các chuyên gia, bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân để cải thiện nhanh chóng tình trạng chảy nước mũi, ngạt mũi. Nước muối giúp làm loãng dịch nhầy ở mũi, loại bỏ tốt phần dịch ứ đọng gây nghẹt mũi, tắc nghẽn mũi. Ngoài ra, nếu thường xuyên dùng nước muối để rửa mũi còn giúp chúng ta rửa trôi những dị nguyên bám dính tại niêm mạc mũi xoang, làm giảm những phản ứng dị ứng thường gặp.

Theo đó, bệnh nhân nên sử dụng nước mũi mỗi ngày khoảng 2 - 3 lần, khi rửa mũi cần áp dụng thao tác nhẹ nhàng để tránh làm niêm mạc mũi tổn thương hơn. Bệnh nhân cũng lưu ý thêm rằng không lạm dụng nước muối vì rửa mũi quá nhiều sẽ khiến niêm mạc mũi bị khô, tăng cường cảm giác kích ứng, đau nhức khó chịu.

Chữa viêm mũi dị ứng mãn theo theo cách dân gian

Các mẹo dân gian điều trị viêm mũi dị ứng ở nhà có thể cải thiện tốt tình trạng chảy nước mũi, viêm mũi hay nghẹt mũi. Bệnh nhân tham khảo các công thức dưới đây:

  • Xông mũi: Bệnh nhân dùng gừng tươi, tinh dầu tràm, bạc hà, khuynh diệp để diệt khuẩn, thông mũi cũng như cải thiện tốt tình trạng ứ đọng ở dịch mũi, làm giảm tình trạng viêm nhiễm.
  • Uống nước ấm: Cần đảm bảo uống đủ mỗi ngày 1,5 - 2,5 lít nước, ưu tiên sử dụng nước ấm. Nước ấm có khả năng làm loãng dịch nhầy ở mũi, giảm ngạt mũi một cách đáng kể.
  • Dùng trà thảo mộc: Trà bạc hà, trà gừng, trà hoa cúc mang tới hiệu quả cải thiện viêm mũi dị ứng mãn tính tương đối hiệu quả. Đồng thời, uống trà còn mang tới công dụng giảm ngứa họng, giảm ho, giúp cho bệnh nhân thư giãn hơn và có giấc ngủ sâu hơn.
  • Chườm ấm: Chúng ta dùng một chiếc khăn ấm để chườm nhẹ lên vùng mũi xoang hàng ngày sẽ giúp giảm ngạt mũi và khó thở.
  • Xoa bóp, bấm huyệt: Những biện pháp này khi tác động vào huyệt vị xung quanh mũi sẽ giúp đẩy lùi ngạt mũi, làm tăng cường lưu thông máu và giảm sưng nề, xung huyết niêm mạc mũi.
  • Các bài thuốc thảo dược: Bệnh nhân dùng các bài thuốc thảo dược để trị viêm mũi dị ứng bằng lá lốt, hạt gấc, cây giao cũng đều làm giảm biểu hiện khó chịu của bệnh.

Tây y trị viêm mũi dị ứng mãn tính

Thuốc Tây được đánh giá cho hiệu quả nhanh chóng trong việc cải thiện những triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng thể mãn tính. Tuy nhiên người bệnh cần chú ý thuốc viêm mũi dị ứng phải sử dụng theo đúng những hướng dẫn của các bác sĩ nhằm tránh tối đa tác dụng phụ của thuốc.

Các loại thuốc thường được kê đơn cho bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng mãn tính gồm có:

  • Thuốc kháng Histamin: Loratadin, Cinnarizin, Clorpheniramin, Fexofenadin,.... Đây là những thuốc được chỉ định phổ biến trong đơn điều trị của người bị viêm mũi dị ứng. Theo đó, thuốc có hai dạng là uống và xịt. Thuốc xịt cho hiệu quả nhanh chóng ngay tức thì nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ kích ứng niêm mạc và liên quan đến hen suyễn. Thuốc uống có thể ức chế hoạt tính của các histamin.
  • Thuốc co mạch, chống phù nề: Chủ yếu là Xylometazolin, Naphazolin dùng theo các xịt hoặc nhỏ tại chỗ. Thuốc chỉ dùng trong thời gian ngắn và áp dụng cho các đợt cấp của bệnh.
  • Thuốc chống viêm: Là loại thuốc Corticoid có chứa những hoạt chất Beclomethasone, Fluticason, Budesonid giúp chống viêm, giảm phù nề và chống dị ứng mạnh.Thuốc có hai cách sử dụng là nhỏ tại chỗ hoặc uống.
  • Thuốc kháng sinh: Dùng trong những trường hợp bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn.

Bệnh nhân lưu ý rằng, việc dùng thuốc Tây đối với giai đoạn viêm mũi dị ứng mãn tính cũng chỉ có mục đích cải thiện bệnh, kiểm soát hiệu quả các triệu chứng, không thể điều trị căn nguyên gây bệnh. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc, đặc biệt là với chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em, uống thuốc sai cách còn là nguyên do gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh.

Biện pháp phẫu thuật:

Với các trường hợp bệnh nặng, người bệnh uống thuốc nhưng không cho kết quả tốt sẽ được xem xét chỉ định phẫu thuật. Ngoài ra những ca bệnh viêm nhiễm bắt nguồn từ cấu trúc mũi bất thường cũng sẽ được cân nhắc. Theo đó, các bác sĩ sẽ can thiệp, chỉnh hình cấu trúc của mũi để đảm bảo tốt quá trình lưu thông dịch ở trong mũi xoang, nhờ vậy sẽ cải thiện tốt tình trạng viêm mũi dị ứng mãn tính.

Tuy vậy, phẫu thuật vẫn tồn tại một số rủi ro nhất định khi bệnh nhân thực hiện, ví dụ như sốc thuốc gây mê, chảy máu. Ngoài ra, việc thực hiện mổ ở những cơ sở y tế kém chất lượng, không có giấy phép hoạt động, thiếu cơ sở vật chất và bác sĩ không có chuyên môn cũng sẽ rất nguy hiểm. Do đó, bệnh nhân cần chú ý tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin.

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android