Viêm Phế Quản Trẻ Em

Tổng quan

Viêm phế quản trẻ em thường xảy ra với trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 12. Bệnh sẽ có các dấu hiệu đặc trưng là khó thở và ho có đờm, tiến triển khá nhanh và dễ xảy ra biến chứng suy hô hấp hoặc viêm phổi. Cha mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân và biết cách nhận biết các dấu hiệu để sớm chữa trị triệt để bệnh cho trẻ.

Định nghĩa

Viêm phế quản chính là tình trạng đường thở xảy ra nhiễm trùng, bệnh có thể xuất hiện ở mọi đối tượng nhưng phổ biến hơn cả vẫn là trẻ nhỏ. Theo đó, viêm phế quản trẻ em dưới 1 tuổi cũng sẽ nguy hiểm hơn. Các đường dẫn khí lớn vào phổi bị viêm, dịch chứa đầy dẫn tới bít tắc, bé bị khó thở và ho nhiều.

Viêm phế quản ở trẻ nhỏ có thể là bệnh cấp tính hoặc thể mãn tính. Với cấp tính, các triệu chứng này thường diễn ra khá ngắn, thời gian chỉ khoảng 10 đến 15 ngày. Nhưng ở bé bị mãn tính sẽ kéo dài, thậm chí có thể từ vài tháng cho tới năm.

Theo ghi nhận từ các cơ quan y tế, trẻ sơ sinh, đặc biệt là nhóm trẻ sinh non sẽ có nguy cơ bị viêm phế quản cao. Đối với trẻ hơn 2 tuổi thường bị mắc chứng viêm tiểu phế quản. Khi không được kiểm soát cũng như chữa trị kịp thời, viêm nhiễm sẽ nhanh chóng lan rộng từ phần cuống phổi (phế quản) cho tới nhu mô phổi và dẫn tới viêm phổi.

Đánh giá chung, các chuyên gia cho biết, bệnh viêm phế quản sẽ có thể gặp ở mọi trẻ nhỏ trong bất cứ độ tuổi nào, nhưng với những bé dưới đây sẽ có tỷ lệ mắc cao hơn.

  • Trẻ dưới 1 tuổi.
  • Bé đang mắc bệnh cúm, sởi, ho gà.
  • Trẻ sinh non, bị suy dinh dưỡng, còi xương.
  • Trẻ có tiền sử người trong gia đình bị mắc các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn hoặc các bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch.
  • Các bé bị béo phì.
  • Trường hợp bé có cơ địa bị dị ứng với các tác nhân từ môi trường sống hàng ngày, thường xuyên hít phải khói thuốc lá.
  • Môi trường sống của trẻ bị ô nhiễm, có nhiều nấm mốc và độ ẩm quá cao.

Hình ảnh

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng

Viêm phế quản trẻ em cũng sẽ tương tự với bệnh lý ở những đối tượng trưởng thành khác. Trẻ nhỏ hay trẻ  sơ sinh đều sẽ có những biểu hiện tương đồng. Dựa theo từng mức độ phát triển của bệnh lý, tình trạng viêm nhiễm cũng như khả năng đề kháng của trẻ, viêm phế quản có thể chia thành giai đoạn khởi phát và toàn phát.

Giai đoạn khởi phát

Ở giai đoạn này, bệnh chủ yếu là bởi virus gây nên. Trẻ sẽ có những triệu chứng tương tự với các bệnh viêm đường hô hấp trên. Phụ huynh có thể dựa vào những dấu hiệu sau đây để nhận biết bệnh từ sớm:

  • Bé có dấu hiệu mệt mỏi, quấy khóc, biếng ăn và cũng kém chơi.
  • Mũi bị ngạt, chảy nhiều nước mũi.
  • Thường xuyên hắt hơi, ho khan hoặc là ho có đờm.
  • Con bị khó thở nhẹ, sốt nhẹ từng cơn và cũng ít đáp ứng các loại thuốc hạ sốt.
  • Bị rối loạn tiêu chảy và dễ nôn trớ.

Những dấu hiệu ban đầu ở giai đoạn khởi phát này rất dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý cảm lạnh, cúm hay viêm xoang. Do vậy cũng có nhiều cha mẹ gặp phải khó khăn trong việc nhận viết viêm phế quản và dẫn tới sai sót trong việc điều trị.

Giai đoạn toàn phát viêm phế quản trẻ em

Những biểu hiện ở giai đoạn toàn phát sẽ thường xuất hiện từ ngày thứ 3 sau giai đoạn khởi phát, bệnh thể hiện rõ ràng hơn rất nhiều. Bởi khi đó virus đã lan tới tận cuống phổi, khí quản bị sưng đỏ và tiết ra rất nhiều dịch nhầy ở trong phổi, kích thích bé ho nhiều và bị khó thở.

Những biểu hiện đặc trưng của bệnh lúc này:

  • Các bé bị ho kéo dài trong khoảng 2 đến 3 tuần.
  • Thường sốt cao trong khoảng 38 – 40 độ.
  • Thở khò khè, khó thở, cổ họng bị đau rát.
  • Trong họng xuất hiện đờm đục có màu xanh hoặc vàng.
  • Bé bị đau ngực, nôn ói, chán ăn, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, mắt bị đỏ và có thể bị phát ban.

Theo đó, những biểu hiện của bệnh viêm phế quản sẽ có xu hướng nặng hơn vào buổi đêm. Với các bé sơ sinh, những triệu chứng sẽ diễn tiến khá nhanh chóng và cũng dễ xảy ra biến chứng. Phản xạ ho của bé lúc này chưa tốt, đờm cũng không có dấu hiệu màu sắc rõ ràng vì bé thường có xu hướng nuốt ngược đờm vào họng. Bởi vậy, cha mẹ cần quan sát kỹ lưỡng và ngay lập tức đưa con tới các cơ sở y tế khi thấy biểu hiện bất thường.

Phụ huynh khi nào cần đưa con tới bệnh viện?

Ngoài các triệu chứng chúng tôi liệt kê bên trên, khi bạn thấy con có những dấu hiệu dưới đây cần nhanh chóng đưa con đi cấp cứu:

  • Con bị khó thở, thở rít tím tái da môi, lưỡi, đầu chi.
  • Cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực và thở nhanh. Mức độ thở của con có thể đánh giá bằng việc đếm nhịp thở khi con nằm yên hoặc trong lúc ngủ khoảng 1 phút. Nhịp thở từ 60 lần/phút đối với bé dưới 2 tháng tuổi, trên 50 lần/phút với những bé trên 2 tháng và trên 40 lần/phút với những bé hơn 1 tuổi sẽ được đánh giá là thở nhanh.
  • Nếu con sốt cao trên 39 độ liên tục, sử dụng thuốc hạ sốt không có tác dụng, bị ngủ li bì khó đánh thức hoặc xảy ra co giật.
  • Trẻ sơ sinh xuất hiện dấu hiệu sùi bọt cua.

Nguyên Nhân

Dưới đây là những tác nhân dẫn tới bệnh viêm phế quản trẻ em, phụ huynh cần lưu ý để có cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho con thật tốt:

  • Virus: Đây chính là nguyên nhân gây bệnh thường gặp ở giai đoạn đầu. Trong đó, virus chủ yếu là loại virus cúm Influenza, Adenovirus và RSV,…
  • Các loại vi khuẩn: Bé có thể bị nhiễm một số vi khuẩn ở giai đoạn đầu khi bệnh khởi phát hoặc là bội nhiễm trong giai đoạn thứ 2 sau khi đã bị nhiễm chủng virus trước đó. Những vi khuẩn dễ gây viêm phế quản trẻ em đó là H.Influenzae type B, phế cầu khuẩn, liên cầu, tụ cầu khuẩn. Các vi khuẩn hại này thường có ở mũi – họng. Thời điểm sức đề kháng của trẻ bị suy giảm, chúng sẽ hoạt động mạnh hơn, tăng sinh sản, độc tính và gây ra nhiều bệnh lý.
  • Thời tiết và môi trường: Khi thời tiết đột ngột thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, hay môi trường bị ô nhiễm, có nhiều khói thuốc lá cũng dễ dàng gây viêm phế quản, viêm họng và nhiều bệnh lý ở trẻ nhỏ.

Biến chứng

Viêm phế quản là bệnh thuộc nhóm viêm đường thở dưới, xảy ra ở phế quản, nếu chưa tấn công vào nhu mô phổi, bệnh hoàn toàn có thể khỏi khi bé được chăm sóc và áp dụng các biện pháp chữa trị tích cực. Thời gian chữa trị có thể kéo dài khoảng 1 – 2 tuần.

Nhưng với các trường hợp viêm nặng, bé không được chăm sóc đúng cách, không áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp, ổ nhiễm khuẩn sẽ rất nhanh lan xuống phổi và tạo ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, có thể kể tới những hệ quả tiêu cực sau:

  • Hen phế quản: Các bé sẽ dễ gặp biến chứng viêm phế quản bít tắc và đây cũng có thể là khởi đầu của chứng bệnh hen suyễn.
  • Viêm phổi: Có thể nhận định rằng, bệnh lý hô hấp này có tỷ lệ mắc và tử vong ở nhóm trẻ nhỏ khá cao, nguy cơ tử vong chỉ xếp sau tiêu chảy.
  • Suy hô hấp: Nếu không được cấp cứu kịp thời, suy hô hấp có thể dẫn tới tử vong.

Các chuyên gia cho biết, bệnh viêm phế quản trẻ em diễn tiến khá nhanh và có nhiều biến chứng hơn so với người trưởng thành. Vì vậy các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi các dấu hiệu khác thường và áp dụng kịp thời những biện pháp chữa trị viêm phế quản cho con.

Phòng ngừa

Để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra viêm phế quản ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần chú ý một số biện pháp ngăn ngừa hiệu quả như sau:

  • Luôn giữ ấm cho bé, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh hoặc vào mùa mưa.
  • Hãy đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ, được lau chùi quét dọn thường xuyên, bạn cũng hãy thay chăn nệm, rèm cửa đều đặn để không làm bụi bẩn, vi khuẩn bám vào.
  • Cho con tránh xa khỏi những tác nhân dễ gây ra dị ứng như lông động vật, phấn hoa, nấm mốc, hóa chất hay bụi bẩn.
  • Khi ra ngoài cần cho bé sử dụng khẩu trang, nếu tới những nơi có nhiều khói bụi độc hại phải sử dụng các biện pháp bảo hộ đầy đủ.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh về đường hô hấp.
  • Phụ huynh cho con tiêm phòng đầy đủ hàng năm theo lịch của cơ sở y tế.
  • Đồng thời, hãy khuyến khích con tích cực tập thể dục, vận động cơ thể để tăng cường sức khỏe tốt hơn.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Để điều trị viêm phế quản ở trẻ em, cần phụ thuộc vào nguyên do, mức độ bệnh cũng như độ tuổi của con. Nguyên tắc chính là làm sạch đường thở, đẩy lùi các triệu chứng và giúp cho bé dễ dàng thở hơn. Nếu là viêm phế quản bởi vi khuẩn tấn công, bé sẽ cần sử dụng thuốc kháng sinh để chữa trị.

Hiện nay có các biện pháp được ứng dụng như sau:

Trị viêm phế quản ở trẻ không dùng thuốc

Phụ huynh cần thực hiện các cách chăm sóc bên dưới đây ngay từ thời điểm con có những biểu hiện bất thường:

  • Chú ý giữ ấm cho con, đặc biệt ở phần lòng bàn chân và ngực, cổ.
  • Cho con uống nhiều nước ấm, chườm ấm để hạ sốt khi nhiệt độ dưới 38.5 độ C.
  • Hãy điều chỉnh độ ẩm ở trong phòng ngủ của các bé bằng máy tạo độ ẩm, cũng có thể dùng cách xông hơi giúp cho trẻ dễ thở.
  • Phụ huynh kê đầu cho trẻ khi nằm cao hơn thân để bé dễ thở hơn.
  • Với các bé trên 1 tuổi, chúng ta có thể pha một chút mật ong với nước ấm cho bé uống hàng ngày giúp làm dịu cổ họng và giảm ho tốt hơn. Tuyệt đối không sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi để tránh xảy ra ngộ độc.

Thuốc Tây y trị viêm phế quản cho trẻ

Với những bé bị sốt cao, ho nhiều, khó thở kèm một số biểu hiện nặng hơn khác, các bác sĩ sẽ chỉ định cho sử dụng một số loại thuốc sau đây:

  • Thuốc hạ sốt: Chủ yếu sử dụng Paracetamol với liều lượng 10 – 15mg/kg. Ở nhóm trẻ lớn hơn có thể dùng thuốc Ibuprofen. Nhưng tuyệt đối không sử dụng thuốc Aspirin khi chưa có sự hướng dẫn từ các bác sĩ chuyên khoa.
  • Thuốc làm giãn phế quản: Nhóm thuốc này thường được sử dụng Salbutamol và Theophylin dạng phun hít, khí dung cho những trường hợp phế quản bị co thắt, bít tắc.
  • Thuốc giảm ho: Các bác sĩ khuyến cáo rằng, không sử dụng thuốc trị ho cho trẻ nhỏ, đặc biệt là nhóm thuốc ức chế trung tâm ho Terpin Codein. Với các bé bị ho nhiều không dứt, ho đỏ bừng mặt sẽ được chỉ định dùng những loại thuốc ho thảo dược hoặc siro Dextromethorphan.
  • Thuốc có tác dụng long đờm: Khi trẻ có quá nhiều đờm đặc không thể khạc ra được sẽ dùng Methylcysteine, Carbocistein, Acetylcystein, Bromhexin, Eprazinon, Ambroxol,… Thuốc không sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và các bậc phụ huynh được khuyến cáo rằng nên cho bé uống nhiều nước thay vì sử dụng thuốc, bởi nước có khả năng làm loãng đờm hiệu quả hơn.
  • Thuốc chống dị ứng: Clorpheniramin, Diphenhydramin, Alimemazin,… Đây là những thuốc có công dụng giảm tình trạng kích ứng họng và ho, đặc biệt ho dị ứng và ho vào ban đêm. Thuốc có thể làm cho bé bị chán ăn, táo bón và khô miệng.
  • Thuốc chống xung huyết mũi, nghẹt mũi: Chủ yếu là Pseudoephedrine.
  • Thuốc kháng sinh: Nhóm Beta Lactam được khuyên dùng chủ yếu.

Thông thường, trẻ nhỏ dễ nhạy cảm với các loại thuốc Tây hơn, vậy nên các con có nguy cơ bị quá liều hoặc xảy ra dị ứng cao hơn so với người trưởng thành. Việc thường xuyên cho trẻ uống thuốc Tây, sử dụng sai liều lượng, không dùng đúng bệnh sẽ xảy ra các tác dụng phụ gồm: Chán ăn, tiêu chảy, nổi mề đay, ban đỏ,… Nặng hơn chính là chậm phát triển xương và trí tuệ, rối loạn nhịp tim, suy thận cấp, suy gan,… Do đó, cha mẹ cần tuân thủ tuyệt đối theo các chỉ dẫn của các bác sĩ khi cho con dùng thuốc.

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
ThS.BS Nguyễn Hữu Lĩnh
ThS.BS Nguyễn Hữu Lĩnh
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android