Nổi Mẩn Ngứa Ở Mông
Nổi mẩn ngứa ở mông là tình trạng vùng da xung quanh mông trở nên sần sùi, khô rát, xuất hiện nhiều nốt ban đỏ, ngứa rát… Bệnh thường khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau và ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, tâm lý người bệnh. Do vị trí bệnh khá tế nhị nên nhiều người e ngại, lựa chọn tự chữa ở nhà sai cách dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tình trạng bệnh.
Nguyên nhân
Mẩn ngứa hay còn gọi là phát ban da là tình trạng xuất hiện những chấm hoặc mảng da đổi màu, thường chuyển sang màu đỏ khi có hiện tượng viêm da do dị ứng hoặc các bệnh lý nhiễm trùng. Nếu người bệnh bị nổi mẩn ngứa ở mông cần đề phòng một số bệnh lý dưới đây:
1. Bệnh mề đay nổi mẩn ngứa ở mông
Mề đay mẩn ngứa là một dạng dị ứng do phản ứng quá mẫn của mao mạch và niêm mạc dưới da khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Khi bị mề đay, vùng da tổn thương có thể bị sưng phù tại chỗ và hình thành các nốt mẩn đỏ, ngứa, khô, rát, khó chịu.
Mề đay mẩn ngứa có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể và không loại trừ vùng mông. Các triệu chứng nổi mẩn ngứa ở mông do mề đay thường xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên và biến mất vài giờ hoặc vài ngày sau đó.
Trong một số trường hợp nặng, người bệnh có thể xuất hiện những mụn nước, ngứa dữ dội, thậm chí có thể gây sưng phù ở mông, rất khó chịu. Nếu không được xử lý kịp thời, vùng da mông này có thể bị trầy xước, viêm nhiễm do bội nhiễm vi khuẩn.
2. Nhiễm nấm khe mông
Nhiễm nấm là một trong những nguyên nhân phổ biến gây hiện tượng nổi mẩn đỏ ngứa ở mông. Do đặc điểm cấu tạo sinh lý có nếp gấp, khó vệ sinh và ở gần hậu môn nên mông thường dễ bị nhiễm nấm, ký sinh trùng. Nguyên nhân của tình trạng này thường do người bệnh tiếp xúc với nguồn nước bẩn, vệ sinh và lối sống không sạch sẽ…
Để nhận biết và phân biệt nhiễm nấm ở khe mông, người bệnh có thể dựa vào đặc trưng nổi mẩn đỏ, sần sùi, ngứa, xuất hiện nhiều vảy trắng, đặc biệt là ở khe mông.
3. Nhiễm giun, ký sinh trùng
Khi vào cơ thể, giun thường kí sinh và phát triển ở vùng trực tràng, ruột non. Vào thời điểm sinh sản, đẻ trứng, các cá thể giun cái thường đến gần hậu môn để đẻ trứng. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh thường bị ngứa hậu môn, nổi mẩn đỏ ngứa ở mông, đặc biệt là vào các buổi tối.
4. Nổi mẩn ngứa ở mông do bệnh mụn rộp sinh dục
Bệnh mụn rộp hay còn được gọi là Herpes sinh dục là một bệnh lý nhiễm khuẩn đường sinh dục phổ biến, nguy hiểm do virus Herpes Simplex (HSV) gây ra. Đây là bệnh lý gây ra bởi tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, vệ sinh kém hoặc lây lan tiếp xúc.
Khi bị mụn rộp sinh dục, người bệnh thường có các triệu chứng như phát ban, nổi nhiều mụn nước, ngứa, sần sùi, nổi mẩn đỏ ở bộ phận sinh dục. Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ lan rộng ra các bộ phận xung quanh như háng, bẹn, mông…
5. Bệnh vảy nến
Mông là khu vực dễ lây lan bệnh vảy nến sinh dục do có nhiều nếp nhăn. Vảy nến ở mông là tình trạng tăng sinh bất thường các tế bào da gây hiện tượng sừng hóa, xếp chống thành vảy trắng hoặc hình thành các mảng da mẩn đỏ, ngứa dữ dội.
Vảy nến ở mông thường xảy ra ở những bệnh nhân có cơ địa dị ứng, hệ miễn dịch quá mẫn hoặc di truyền gen bệnh từ bố mẹ. Sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm hoặc dùng thuốc trong thời gian dài cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
6. Bệnh Eczema
Eczema là một dạng viêm lớp nông của da cấp tính hoặc mãn tính, tiến triển thành đợt và có xu hướng tái phát nhiều lần. Bệnh được biểu hiện lâm sàng bằng những đám da mẩn đỏ, nổi nhiều mụn nước và ngứa dữ dội. Eczema có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, trong đó có thể ở mông.
Cũng giống như các bệnh lý tự miễn khác, eczema thường xảy ra trên những đối tượng có cơ địa dị ứng hoặc mang gen bệnh di truyền trong gia đình.
7. Nguyên nhân khác
Vietmec cho biết, ngoài các bệnh lý thường gặp nên trên, nổi mẩn ngứa ở mông còn có thể xuất hiện do một số tác nhân bên ngoài khác như:
- Thói quen vệ sinh kém, ít thay quần áo, sử dụng nguồn nước bẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi nấm xâm nhập, gây bệnh.
- Sử dụng giấy vệ sinh không đảm bảo chất lượng, không đúng cách.
- Thường xuyên sử dụng các thực phẩm, đồ ăn uống có gia vị cay nóng, thực phẩm dễ gây kích ứng, dị ứng.
- Ít vận động, đi lại
- Mặc đồ bó sát, không thấm hút mồ hôi
- Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, môi trường ô nhiễm,…
- Dị ứng thời tiết
Chăm sóc tại nhà
Với những trường hợp mẩn ngứa nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các bài thuốc dân gian để làm dịu da, giảm cảm giác ngứa, nóng rát, khó chịu. Chẳng hạn như:
- Dùng lá kinh giới chữa mẩn ngứa ở mông: Lấy một nắm lá kinh giới, rửa sạch, đun sôi với 2 lít nước rồi dùng nước này để tắm, rửa vùng da bị bệnh.
- Tắm lá khế: Lá khế có nhiều hoạt chất được dùng trong điều trị các bệnh viêm nhiễm ngoài da. Người bệnh có thể dùng 1 nắm lá khế, rửa sạch và đun sôi với nước sạch trong khoảng 5 – 10 phút. Sau đó, gạn lấy nước, thêm một ít muối hạt, khuấy tan. Dùng nước này để tắm rửa vùng da vùng mông bị ngứa, đỏ.
- Uống nước rau má: Lấy một nắm rau má, rửa sạch, ngâm với nước muỗi pha loãng rồi xay nhuyễn, lọc lấy nước. Dùng uống mỗi tuần 2 – 4 lần để cải thiện tình trạng mẩn đỏ, nổi mụn, ngứa ở mông. Bài thuốc này cần hạn chế sử dụng với những trường hợp cơ địa thể hàn, đang bị đau bụng, tiêu chảy…
Các mẹo dân gian có ưu điểm an toàn, ít tác dụng phụ do sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, sẵn có. Tuy nhiên, hiệu quả của những bài thuốc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là cơ địa mỗi người.
Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh chỉ nên áp dụng các mẹo dân gian chữa nổi mẩn đỏ ngứa ở mông trong những trường hợp nhẹ, đã biết rõ nguyên nhân. Các trường hợp khác, người bệnh nên tiến hành thăm khám và tham vấn ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
Câu hỏi thường gặp
Ai là đối tượng dễ bị nổi mẩn ngứa ở mông?
Nổi mẩn ngứa ở mông là tình trạng phổ biến trong đời sống có thể do bệnh lý hoặc do tiếp xúc. Những đối tượng dễ bị nổi mẩn đỏ ngứa ở mông gồm:
- Người có thói quen vệ sinh không thường xuyên
- Người có cơ địa dị ứng hoặc tiền sử bản thân, gia đình mắc các bệnh lý cơ địa, miễn dịch
- Trẻ nhỏ: trẻ em thường là đối tượng dễ bị nổi mẩn ngứa ở mông do thói quen vui chơi, thường lê la tiếp xúc với nền đất bẩn.
- Người có thói quen ăn uống mất vệ sinh, ăn đồ tươi sống, không tẩy giun định kỳ
- Người bị trĩ hoặc nứt kẽ hậu môn
Nổi mẩn đỏ ngứa ở mông có nguy hiểm không? Chữa bao lâu thì khỏi?
Phần lớn các trường hợp nổi mẩn ngứa ở mông đều không nguy hiểm tới tính mạng người bệnh nhưng lại gây nhiều bất tiện, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Nếu được chăm sóc đúng cách, các triệu chứng nổi mẩn đỏ ngứa ở mông có thể hết sau vài ngày.
Ngược lại, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, nổi mẩn ngứa ở mông có thể gây biến chứng nhiễm khuẩn, viêm loét, hoại tử da vùng mông… Nặng hơn, có thể gây nhiễm khuẩn huyết, dị ứng, thậm chí gây sốc phản vệ có thể dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do đó, trong trường hợp tình trạng nổi mẩn ngứa ở mông kéo dài nhiều ngày không khỏi hoặc ngày càng nặng hơn, người bệnh nên đến các bệnh viện gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Điều trị
Trong trường hợp nổi mẩn ngứa đã biết rõ nguyên nhân, các bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn thuốc dựa vào bệnh lý người bệnh đang mắc phải. Bên cạnh các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh lý cụ thể, người bệnh có thể được sử dụng thêm các thuốc cải thiện triệu chứng mẩn ngứa ở mông. Cụ thể:
- Thuốc kháng sinh: Chỉ sử dụng trong các trường hợp viêm nhiễm da do vi khuẩn, khi có dấu hiệu bọng nước, mụn mủ kèm sưng, đỏ, đau. Kháng sinh thường sử dụng đường uống, đôi khi có thể cân nhắc sử dụng dạng mỡ, kem bôi ngoài da do có hiệu lực kháng khuẩn thấp hơn.
- Thuốc kháng Histamin H1: Thường sử dụng các thuốc kháng Histamin thế hệ mới, ít gây buồn ngủ như Loratadin, Terfenadin, và Astemizol….
- Thuốc corticoid: Có thể dùng loại tác dụng trung bình như Fluocinolon, Triamcinolon, Betamethason… hoặc loại có tác dụng mạnh như Amcinonide, Fluocinonide, Clobetason… tùy vào mức độ viêm, ngứa. Tuy nhiên, nhóm thuốc chứa corticoid, đặc biệt là dạng thuốc có tác dụng mạnh không được khuyến cáo trong điều trị các tổn thương da ở vùng bộ phận sinh dục và nếp gấp da. Do vậy người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Thuốc bôi chống nấm: Imidazole Econazole, Clotrimazole,… được sử dụng trong các trường hợp nổi mẩn ngứa do nhiễm nấm.
- Thuốc diệt giun: Mebendazol và Albendazol được sử dụng phổ biến trong điều trị các trường hợp ngứa mông nổi mẩn đỏ do nhiễm giun.
- Thuốc khác: Gồm kem dưỡng da, làm ẩm; dung dịch chứa camphor, menthol và phenol loại 0,5% giảm ngứa nhẹ, dung dịch sát trùng kháng khuẩn Povidon iod…
Hầu hết các loại thuốc Tây dù dùng đường uống hay bôi ngoài da đề có có thể gây ra những tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng. Do đó, khi sử dụng thuốc Tây chữa nổi mẩn đỏ ngứa ở mông, người bệnh cần chú ý:
- Chỉ sử dụng thuốc khi có yêu cầu, chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám và chẩn đoán bệnh.
- Không tự ý mua và điều trị bệnh tại nhà khi chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh.
- Không dùng lại thuốc cũ trong các đợp cấp mới của bệnh
- Không tự ý dừng thuốc hoặc tăng liều khi triệu chứng của bệnh thuyên giảm hoặc nặng hơn.
- Kết hợp các biện pháp chăm sóc và sinh hoạt hợp lý trong thời gian dùng thuốc.
Phòng ngừa
Để thúc đẩy quá trình làm lành các tổn thương tại mông và phòng ngừa mẩn ngứa tái phát, người bệnh cần chú ý thực hiện một số cách dưới đây:
- Không mặc quần, váy bó sát, ưu tiên lựa chọn các loại trang phục thoải mái, thông thoáng, chất liệu vải thấm hút mồ hôi.
- Thường xuyên vệ sinh làm sạch vùng mông và các bộ phận lân cận để hạn chế bội nhiễm hoặc lay lan bệnh
- Kết hợp sử dụng các loại kem dưỡng ẩm an toàn, không chứa hương liệu, chất bảo quản độc hại trong thời gian điều trị để làm dịu da, giảm ngứa
- Xây dựng thực đơn dinh dưỡng, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý, để tăng sức đề kháng
- Tái khám khi có các triệu chứng bất thường trong thời gian điều trị bệnh.
Nổi mẩn ngứa ở mông có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng nếu người bệnh chủ quan trong điều trị. Chủ động phát hiện, thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp người bệnh thoải mái đối mặt với tình trạng tế nhị, khó chịu này.