Xuất Huyết Dạ Dày

Tổng quan

Xuất huyết dạ dày là một trong những bệnh lý nguy hiểm liên quan đến hệ thống tiêu hóa của cơ thể. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chứng xuất huyết có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Vì vậy, việc tìm hiểu kỹ về căn bệnh này là cực kỳ quan trọng để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Hãy đọc bài viết dưới đây của Vietmec để hiểu rõ hơn về xuất huyết dạ dày.

Định nghĩa

Xuất huyết dạ dày tiếng anh là gì? Tên khoa học của bệnh lý này là Gastrointestinal Bleeding. Đây là tình trạng máu chảy ra ngoài lòng mạch của dạ dày, với những biểu hiện cơ bản là tình trạng đi ngoài ra máu, nôn ra máu ( có thể là máu tươi hoặc màu nâu cà phê). Đây là một trạng thái cấp cứu và cần được phát hiện, điều trị ngay trước khi chúng gây nguy hại đến sức khỏe.

Bệnh thường là biến chứng của rất nhiều bệnh lý có liên quan đến dạ dày hay đường ruột. Đôi khi xuất huyết cũng là tác hại do sử dụng rượu bia, chất kích thích, cà phê trong thời gian dài.

Mức độ của tình trạng xuất huyết là khác nhau tùy vào trường hợp và nguyên nhân gây bệnh. Những tình huống chảy máu nhiều có thể dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, sốc hoặc có nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Hình ảnh

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng

Xuất huyết dạ dày là một bệnh lý tương đối dễ nhận biết bởi nó được biểu hiện rất đặc trưng. Một số dấu hiệu báo trước bạn đang mắc phải chứng xuất huyết đường tiêu hóa như sau:

  • Đau vùng thượng vị dữ dội, đau tăng nặng và tần suất gia tăng hơn so với thông thường.
  • Có cảm thấy hiện tượng nóng rát, mệt mỏi, cồn cào ruột sau khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid, thuốc Corticoid.
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, có thể buồn nôn hoặc nôn.

Ngoài ra, bệnh xuất huyết dạ dày có những biểu hiện riêng đặc trưng rất điển hình mà người bệnh dễ dàng nhận biết đó là:

  • Tình trạng nôn ra máu
  • Đại tiện có phân đen

Một số dấu hiệu xuất huyết bao tử khác

  • Đau vùng thượng vị, bụng bị sôi.
  • Hoa mắt, chóng mặt, ù tai.
  • Đau bụng vùng dạ dày dữ dội.
  • Khát nước.
  • Mệt lả.
  • Tiểu ít.
  • Thở nhanh.
  • Vã mồ hôi.

Nguyên Nhân

Có rất nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng xuất huyết ở dạ dày, hầu hết các trường hợp đều do viêm loét dạ dày - tá tràng, polyp dạ dày hay ung thư dạ dày hình thành. Bên cạnh đó, một vài thói quen xấu trong sinh hoạt, tác dụng phụ của thuốc điều trị cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe dạ dày gây ra xuất huyết.

Một số nguyên nhân chính có thể gây nên tình trạng xuất huyết dạ dày đó là:

  • Viêm loét dạ dày tá tràng: Đây là nguyên nhân phổ biến chiếm đến hơn 70% các ca bệnh bị xuất huyết bao tử. Những ổ viêm loét ở niêm mạc dạ dày và ruột non ngày càng lan rộng, khi bệnh diễn tiến nặng sẽ ăn sâu vào trong mạch, gây xuất huyết đường tiêu hóa.
  • Khối u ở dạ dày: Những khối u dạ dày lành tính hay ác tính đều có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa. Những khối u này sẽ bị ma sát trong quá trình dạ dày tiêu hóa thức ăn, gây chảy máu và tổn thương lòng mạch.
  • Tổn thương mạch máu: Những mạch máu ở vùng dạ dày, tá tràng rất dễ bị tổn thương do các tác nhân kích thích. Chúng phình giãn, thậm chí bị vỡ và dẫn đến những biến chứng cụ thể như xuất huyết dạ dày.

Bên cạnh đó, một số yếu tố về sức khỏe cũng gây nên tình trạng rối loạn đông máu và dẫn đến xuất huyết tại dạ dày như:

  • Giảm tiểu cầu: Tiểu cầu là một loại tế bào máu giống như hồng cầu hay bạch cầu. Chúng có chức năng cầm máu bằng cơ chế làm đông máu ngay lập tức mỗi khi mạch máu bị tổn thương.
  • Xơ gan: Chứng xơ gan lâu ngày sẽ gây nên tăng áp lực ở tĩnh mạch cửa, theo đó áp lực bên trong lòng mạch của dạ dày và gây xuất huyết. Biểu hiện này thường gặp nhiều ở những người bị xơ gan ở giai đoạn cuối.
  • Thiếu hụt vitamin K: Vitamin K là một loại chất quan trọng có nhiệm vụ hỗ trợ làm đông máu và ức chế tình trạng chảy máu kéo dài. Nếu vi khuẩn không được cung cấp đủ lượng vitamin K cần thiết, dạ dày có thể xuất hiện tình trạng chảy máu.
  • Bệnh sốt xuất huyết: Virus gây bệnh sốt xuất huyết đồng thời cũng gây giảm số lượng tiểu cầu trong máu, từ đó phát sinh những biến chứng liên quan như xuất huyết dạ dày, chảy máu mũi,...
  • Sử dụng các loại thuốc chống đông: Việc lạm dụng thuốc chống đông hoặc dùng quá nhiều hoàn toàn có thể dẫn đến hiện tượng rối loạn đông máu, biến chứng xuất huyết trong cơ thể.

Biến chứng

Xuất huyết dạ dày là một tình trạng nghiêm trọng cần được chẩn đoán xác định và điều trị càng sớm càng tốt để tránh mất máu quá nhiều. Trong trường hợp được xử lý kịp thời, bệnh có thể được kiểm soát nhanh chóng và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên bệnh lâu ngày hoàn toàn có thể dẫn đến tình huống mất máu gây sốc và tử vong.

Thực tế cho thấy, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao nếu như tình trạng xuất huyết không được kiểm soát tốt trong 24 giờ đầu tiên. Bởi vậy bạn không nên chủ quan mà cần thăm khám chuyên khoa ngay khi có dấu hiệu xuất huyết bao tử.

Rất nhiều người bệnh lo lắng không biết rằng chứng xuất huyết bao tử có khả năng điều trị khỏi hoàn toàn được không. May mắn rằng tình trạng này có thể được kiểm soát tốt và chữa trị khỏi dứt điểm nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị theo phác đồ chuyên sâu kết hợp với lối sống khoa học trong và sau thời gian điều trị.

Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nặng hơn, người bệnh sẽ cần nhiều thời gian để điều trị chứng xuất huyết dạ dày. Bệnh nếu không được điều trị dứt điểm từ lần đầu hoàn toàn có thể bị tái đi tái lại nhiều lần trong năm gây chứng xuất huyết bao tử mãn tính.

Trong trường hợp mất máu quá nhiều, người bệnh phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe như suy nhược cơ thể, sốc đột ngột, thậm chí là tử vong. Vì thế việc phát hiện, điều trị sớm là việc làm hoàn toàn cần thiết nếu bạn muốn bảo vệ sức khỏe của mình một cách tốt nhất.

Phòng ngừa

Bệnh xuất huyết dạ dày vẫn có khả năng tái phát sau khi đã điều trị thành công. Vì thế để bảo vệ sức khỏe, người bệnh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh như sau:

  • Điều trị dứt điểm các bệnh lý liên quan đến dạ dày như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng Zollinger - Ellison,...
  • Không sử dụng các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá vì chúng không hề tốt cho hệ thần kinh, dạ dày và sức khỏe tổng thể.
  • Luôn duy trì tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng quá độ gây áp lực lên dạ dày.
  • Nên bổ sung nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau xanh, trái cây ít axit, sữa chua, ngũ cốc,...
  • Tránh xa đồ ăn cay nóng, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh hay thực phẩm đóng hộp nhiều chất bảo quản.
  • Không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, giảm đau khi chưa có chỉ định về liều dùng từ bác sĩ chuyên khoa.

Xuất huyết dạ dày là một bệnh lý dạng cấp cứu rất phổ biến. Bệnh có thể gây mất máu nhiều, gây nên các biến chứng khó lường cho sức khỏe. Vì thế ngay khi nhận thấy những biểu hiện bất thường của sức khỏe, bạn cần đến ngay bệnh viện để được khám và chẩn đoán kịp thời.

Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Xuất huyết dạ dày cần được chẩn đoán một cách chính xác trước khi điều trị bệnh. Đặc biệt bác sĩ cần xác định rõ nguyên nhân gây chảy máu, vùng chảy máu cũng như mức độ tổn thương hiện tại để dự phòng các phương án hợp lý nhất.

Những biện pháp chẩn đoán xuất huyết dạ dày được áp dụng phổ biến hiện nay là:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ tiến hành thăm hỏi tình trạng bệnh, khai thác tiền sử bệnh lý của bản thân người bệnh và gia đình. Đồng thời thực hiện dự đoán các khả năng của xuất huyết dạ dày thông qua các biểu hiện lâm sàng của bệnh.
  • Nội soi dạ dày: Nội soi là phương pháp không thể thiếu trong tiến trình kiểm tra xuất huyết dạ dày. Thông qua nội soi, bác sĩ sẽ xác định được vị trí xuất huyết và tiến hành xử lý ngay.
  • Xét nghiệm máu: Việc xét nghiệm máu nhằm xét nghiệm công thức máu, từ đó hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân gây xuất huyết có phải do tính chất máu hay không.
  • Đặt sonde dạ dày: Phương pháp này sử dụng ống thông từ mũi xuống vùng dạ dày để rửa dạ dày. Chúng có thể xác định được bạn đang bị xuất huyết đường tiêu hóa trên hay dưới.
  • Mở bụng: Nếu những biện pháp chẩn đoán trên không cho kết quả tốt, phương án cuối cùng có thể thực hiện đó là mở bụng để thăm dò. Bác sĩ có thể xác định rõ vùng đang bị xuất huyết và cầm máu ngay trong quá trình điều trị.

Mục đích của việc thăm khám, chẩn đoán là xác định rõ vị trí chảy máu, nguyên nhân gây xuất huyết và mức độ chảy máu. Ngoài ra, dựa theo kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể đưa ra những tiên lượng về diễn biến của bệnh, đề ra phương án chữa trị phù hợp nhất.

Biện pháp điều trị

Sau quá trình chẩn đoán về vị trí, nguyên nhân xuất huyết và mức độ tổn thương tại dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định các biện pháp điều trị tương ứng. Xuất huyết dạ dày cấp tính cần được điều trị ngay, bồi hoàn thể tích máu, hồi sức cơ thể.

Chữa xuất huyết bao tử theo y học hiện đại

Y học phát triển như ngày nay thì việc điều trị xuất huyết bao tử đã trở nên rất dễ dàng và đơn giản. Có nhiều phương pháp chữa trị bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân, chúng sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh và thể trạng của từng người.

Dùng thuốc điều trị

Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định một số loại thuốc để uống trực tiếp giúp giảm biểu hiện của xuất huyết dạ dày như sau:

  • Dạ dày đang chảy máu sẽ tiến hành tiêm các loại thuốc: Ranitidine, Famotidine, Cimetidin,...
  • Thuốc kháng H2 và nhóm thuốc ức chế Proton: Nizatidine, Rabitidin, Cimetidin,...
  • Nhóm thuốc trung hòa axit và kháng axit trong dạ dày để phòng ngừa các phản ứng viêm.

Phẫu thuật điều trị

  • Nội soi dạ dày: Nội soi được dùng trong chẩn đoán bệnh và điều trị xuất huyết bao tử. Nếu người bệnh được rửa dạ dày nhưng máu vẫn chảy, bác sĩ sẽ dùng đầu điện, chất cầm máu dạng xịt, kim chích cầm máu, kẹp cầm máu, tia laser,... để áp dụng tại chỗ nhằm giảm lượng máu tiết ra.
  • Phương pháp mổ hở: Trong tình huống người bệnh bị xuất huyết dạ dày nặng, máu chảy ồ ạt và có tiên lượng tử vong cao bác sĩ sẽ chỉ định mổ. Phương pháp này được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, mổ và cầm máu trực tiếp để máu không bị chảy ra nữa.

Các biện pháp tây y có thể mang lại hiệu quả điều trị xuất huyết dạ dày một cách nhanh chóng, đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Tuy nhiên, cách chữa này cũng sẽ tồn tại một số nguy hiểm như: Tác dụng phụ khi dùng thuốc, nguy hiểm trong quá trình thực hiện phẫu thuật, đặc biệt là đối với chị em xuất huyết dạ dày khi mang thai. Do đó, bạn cần cân nhắc lựa chọn những đơn vị khám chữa uy tín để đảm bảo sức khỏe.

Điều trị xuất huyết tiêu hóa bằng phương pháp dân gian

Đối với trường hợp xuất huyết dạ dày nhẹ, bạn hoàn toàn có thể áp dụng ngay các biện pháp dân gian trong điều trị bệnh. Các bài thuốc dân gian sử dụng dược liệu sẵn có ở vườn nhà, rất an toàn và dễ áp dụng.

Bài thuốc chữa bệnh từ củ nghệ

Người bệnh có thể dùng nghệ kết hợp mật ong để điều trị bệnh:

  • Phơi khô củ nghệ tươi vàng, nghiền nhỏ rồi trộn cùng với sắn dây, chuối non.
  • Sử dụng 3 muỗng bột đó đem pha cùng một thìa mật ong trong nước ấm.
  • Mỗi ngày bạn uống khoảng 3 lần, chúng sẽ giúp làm giảm triệu chứng bệnh.

Sử dụng gừng tươi

Gừng cũng được sử dụng là một vị dược liệu giúp kiểm soát chứng xuất huyết bao tử.

Cách dùng:

  • Rửa sạch, băm nhuyễn rồi đem đi nấu cùng với khoảng 300ml nước lọc.
  • Đem lọc bỏ phần bã gừng, chắt nước rồi cho thêm khoảng 2 thìa mật ong nguyên chất.
  • Sử dụng nước trà gừng để uống khoảng 3 lần/ ngày để làm giảm nhẹ các triệu chứng.

Chữa xuất huyết dạ dày từ nha đam

Cách dùng:

  • Đem nạo lấy phần thịt trong suốt, rửa với nước muối pha loãng.
  • Lấy thịt nha đam đem xay nhuyễn để lấy được tinh chất nha đam.
  • Mỗi ngày, sử dụng 1 cốc nước nha đam trước bữa ăn chính khoảng 30 phút để chúng tạo lớp màng gel bảo vệ niêm mạc.

Những bài thuốc dân gian điều trị xuất huyết dạ dày đều có tác dụng hỗ trợ và không thể thay thế những phác đồ điều trị khoa học. Vì thế, người bệnh cần thăm khám cẩn thận, hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề kết hợp điều trị mẹo dân gian trước khi thực hiện để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Nguyễn Đình Tùy
Bác Sĩ Nguyễn Đình Tùy
Verified
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android