Nổi Mẩn Đỏ Ở Tay

Cơ bản

Hiện tượng nổi mẩn đỏ ở tay xuất hiện phổ biến ở nhiều đối tượng khác nhau với các biểu hiện cụ thể như vết ửng đỏ, mụn nước li ti, ngứa ngáy khó chịu. Dù không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng chứng bệnh này ảnh hưởng tới sinh hoạt, công việc và chất lượng cuộc sống, đặc biệt nó có thể là triệu chứng cảnh báo một số bệnh da liễu. Nếu ban đọc quan tâm, hãy tìm hiểu ngay nguyên nhân, cách điều trị và địa chỉ chữa bệnh uy tín nhất trong bài viết dưới đây.

Định nghĩa

Nổi mẩn đỏ ở tay không còn là hiện tượng xa lạ đối với chúng ta, nó có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi khác nhau. Tình trạng này phổ biến khi vùng da tay tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng như nước hoa, mỹ phẩm, hóa chất, xà phòng, chất tẩy rửa,... hoặc có thể là do côn trùng đốt.

Thông thường bệnh sẽ biểu hiện ra bên ngoài bởi những mụn nước li ti, da bị nổi ửng đỏ theo từng vùng hoặc mảng lớn, có cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Hiện tượng này có thể tự hết sau vài giờ hoặc vài ngày không cần sử dụng thuốc, đó là phản ứng cấp tính. Tuy nhiên nếu các triệu chứng kéo dài nhiều ngày không có dấu hiệu thuyên giảm, tái đi tái lại nhiều lần được xếp vào bệnh mãn tính. Lúc này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh.

Nguyên nhân

Đặc biệt nổi mẩn đỏ ở tay còn là cảnh bảo của một số bệnh da liễu thường gặp như:

Nổi mề đay

Nổi mề đay là hiện tượng thường gặp do cơ thể phản ứng với các tác nhân gây kích ứng từ môi trường xung quanh. Tình trạng này làm xuất hiện những nốt sần có màu đỏ, hồng hoặc trắng nhạt, phân biệt rõ với những vùng da khỏe mạnh xung quanh. Khi bị nổi mề đay, người bệnh thường có cảm giác ngứa ngáy khó chịu, từ âm ỉ đến dữ dội.

Nổi mề đay có thể bắt gặp ở mọi đối tượng, xuất hiện ở một số vùng da trên cơ thể hoặc toàn thân. Nếu bạn bị nổi mẩn đỏ ở tay do mề đay có thể xuất phát từ những nguyên nhân như: Tiếp xúc trực tiếp với xà phòng, hóa chất tẩy rửa; tiếp xúc với côn trùng hoặc mủ thực vật có độc; Dị ứng mỹ phẩm, nước hoa,...

Bệnh mề đay cấp thường thuyên giảm sau vài giờ đến vài ngày phát bệnh nếu bạn tránh xa được tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên nếu thuộc dạng mãn tính, bệnh sẽ kéo dài trên 6 tuần, có thể tái đi tái lại nhiều lần gây ra nhiều ảnh hưởng cho người mắc.

Bệnh Lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng nổi mẩn đỏ ở tay. Chứng bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến hệ miễn dịch của cơ thể với biểu hiện là mẩn đỏ ngứa ngáy toàn thân, đặc biệt là lòng bàn tay, bàn chân, có thể kèm theo tình trạng mệt mỏi, tức ngực, đau nhức xương khớp, sốt cao,... Lupus ban đỏ nếu không được sớm can thiệp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, gây biến chứng cho gan, thận, tim mạch và xương khớp.

Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa có thể gặp ở mọi đối tượng, lứa tuổi, trong đó phổ biến nhất là trẻ em. Triệu chứng của bệnh này là những tổn thương xuất hiện bất cứ vị trí nào trên cơ thể, đặc biệt là tay và chân.

Bệnh ở giai đoạn cấp tính sẽ xuất hiện vết đỏ, hồng trên da, sau đó xuất hiện mụn nước gây ngứa âm ỉ, kèm theo cảm giác đau rát khó chịu. Khoảng 1 - 2 ngày tiết dịch, mụn nước bị vỡ sẽ đóng mài và chuyển sang giai đoạn viêm da cơ địa mãn tính, đặc trưng là tổn thương trên da có dạng dày sừng, khô, nhiều vết nứt.

Đối với chứng bệnh này, hiện nay Y học vẫn chưa có biện pháp điều trị dứt điểm, chỉ nhằm mục đích giảm triệu chứng, ngăn ngừa tái phát. Bạn hoàn toàn có thể phòng bệnh thông qua việc hạn chế tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa, dưỡng ẩm da tay thường xuyên,....

Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là nguyên nhân gây ra hiện tượng nổi mẩn đỏ ở tay. Đây là tình trạng da xuất hiện tổn thương ở những vị trí tiếp xúc trực tiếp với tác nhân gây kích ứng, đặc biệt là vùng da tay, chân.

Biểu hiện ban đầu của bệnh là da chuyển sang màu đỏ, hồng, có hiện tượng ngứa ngáy, châm chích, đồng thời người bệnh cảm thấy nóng rát khó chịu tại vị trí tổn thương. Chỉ sau vài tiếng phát bệnh, làn da bạn sẽ xuất hiện các mụn nước li ti, nếu mụn vỡ ra sẽ tạo thành vảy tiết.

Bệnh chàm

Chàm tổ đỉa cũng là bệnh da liễu khá phổ biến ở nhiều đối tượng khác nhau, xuất hiện những mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân người bệnh, đặc biệt gây ra cảm giác ngứa dữ dội. Những biểu hiện cụ thể của bệnh chàm tổ đỉa đó là: Lòng bàn tay, bàn chân có những nốt sần màu đỏ, hơi ngứa, nhanh chóng phát triển thành mụn nước li ti gây ngứa ngáy khó chịu. Nếu bạn chà xát, gãi hoặc cầm nắm, những mụn nước có thể vỡ ra, chảy dịch ra bên ngoài. Sau một vài ngày, da đóng mài và khô lại, lúc này xuất hiện vết nứt gây đau đớn.

Cho đến hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh chàm tổ đỉa, một số tác nhân khiến bệnh khởi phát có thể là do tay chân quá ẩm hoặc quá khô, căng thẳng thần kinh hoặc tiếp xúc với hóa chất, kim loại.

Tương tự như những bệnh da liễu khác, chàm tổ đỉa có thể kéo dài dai dẳng nếu rơi vào dạng mãn tính. Vậy nên bạn cần chủ động thăm khám và tìm biện pháp điều trị từ sớm.

Nấm da

Nấm da có thể xuất hiện ở cả tay và chân với 3 dạng chủ yếu: Thể mụn nước, thể tróc vảy khô và thể viêm kẽ. Nguyên nhân gây ra bệnh nấm da đó là do vi nấm ký sinh gây nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy. Nếu để thời gian dài không can thiệp, nấm có thể lây lan sang những vùng da khỏe mạnh và làm tổn thương nghiêm trọng.

Ban đầu, hiện tượng mẩn đỏ có thể nổi trên bề mặt hoặc ẩn dưới da, gây cảm giác ngứa ngáy từ 1 - 2 ngày, sau đó phát triển thành thể mụn nước với bọng nước nhỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, gây tổn thương ở kẽ tay, kẽ chân gọi là thể viêm kẽ và gây tróc da nếu là thể tróc vảy khô.

Bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ xuất hiện do Sarcoptes scabiei ký sinh trên da gây nên. Loại ký sinh trùng này chỉ ăn tế bào chết trên da, không hút máu, tuy nhiên nếu chúng đào hang để ký sinh và đẻ trứng sẽ sinh ra chất thải và gây tổn thương nghiêm trọng cho làn da của bạn.

Bệnh ghẻ có biểu hiện rõ ràng đó là các tổn thương trên da có dạng hình sợi chỉ mảnh, thẳng, thường dài từ 1 - 10mm, đặc biệt nốt mẩn đỏ có bọng nước sẽ xuất hiện ở bề bên, nếp kẽ ngón tay, nếp gấp cổ tay, lòng bàn tay, bàn chân, nách, khuỷu tay…. Lúc này người bệnh sẽ có cảm giác ngứa ngáy dữ dội, đặc biệt vào ban đêm.

Suy giảm chức năng gan

Suy giảm chức năng gan là nguyên nhân gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ ở tay. Gan chính là bộ phận thực hiện nhiệm vụ đào thải độc tố cho cơ thể. Nếu cơ quan này bị suy giảm, độc tố bị tích tụ, không thể đẩy ra bên ngoài, từ đó hình thành nốt mẩn đỏ và  gây ra nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu muốn ngăn ngừa bệnh tái phát, bạn nên có biện pháp tăng cường chức năng gan, thải độc gan phù hợp.

Chăm sóc tại nhà

Dân gian từ xưa đã truyền tai nhau nhiều cách giúp giảm hiện tượng sưng tấy, ửng đỏ và cảm giác ngứa ngáy khó chịu của các bệnh da liễu. Ưu điểm của phương pháp này là an toàn, dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí.

  • Chườm lạnh: Nếu vùng da bị bệnh có các nốt mẩn đỏ gây hiện tượng viêm nhiễm, có cảm giác nóng rát, bạn có thể dùng đá lạnh để chườm trực tiếp lên da trong khoảng 15 phút.
  • Ngâm nước muối ấm: Nước muối có hiệu quả cao trong việc kháng viêm, diệt khuẩn, giảm ngứa ngáy, ngăn ngừa hiện tượng bội nhiễm, đồng thời thúc đẩy máu lưu thông tốt hơn. Do đó khi bị nổi mẩn đỏ ở tay, chân, bạn nên ngâm tay, chân trong nước muối ấm trước khi đi ngủ sẽ nhanh chóng giảm cảm giác khó chịu.
  • Đắp lá tía tô: Bạn chuẩn bị nắm lá tía tô rửa sạch với nước muối, để ráo. Sau đó xay nhuyễn, lấy phần bã đắp trực tiếp lên vùng da bị bệnh, để trong khoảng 20 phút rồi rửa lại với nước sạch.

Phòng ngừa

Nếu muốn điều trị dứt điểm tình trạng nổi mẩn đỏ ở tay, đồng thời ngăn ngừa bệnh tái phát nhiều lần, người bệnh nên lưu ý những vấn đề sau:

  • Luôn giữ tay sạch sẽ và khô ráo, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như xà phòng, hóa chất độc hại, bụi bẩn, nước hoa, mỹ phẩm, lông động vật,...
  • Tuyệt đối không gãi, chà xát khiến da bị trầy xước và gây nên hiện tượng nhiễm trùng.
  • Nếu thời tiết chuyển lạnh, chú ý giữ ấm và dưỡng ẩm cho tay, chân, mặc quần áo dài, đeo găng tay khi đi ra ngoài.
  • Uống nhiều nước để dưỡng ẩm cho da, đồng thời tăng cường quá trình trao đổi chất, hỗ trợ đào thải độc tố ra bên ngoài cơ thể.
  • Xây dựng thực đơn dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt là rau xanh, trái cây tươi, các loại cá,....
  • Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng, làm việc quá sức, dành thời gian nghỉ ngơi để tăng cường sức khỏe, phòng tránh bệnh tật.

Điều trị

Nếu bị mẩn đỏ ở tay nhưng sử dụng mẹo dân gian không thể cải thiện hoặc bệnh tiến triển thành dạng mãn tính, bạn nên sử dụng thuốc Tây y để hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất. Một số trường hợp nổi mẩn đỏ do bệnh lý nào đó gây ra, bạn cần xét nghiệm để tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh, sau đó sẽ có phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong trường hợp này đó là:

  • Thuốc bôi: Có tác dụng giảm hiện tượng ngứa ngáy khó chịu, đồng thời kháng viêm và chống nấm.
  • Thuốc uống: Nhằm mục đích chống lại dị ứng và những tác nhân gây bệnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Các loại thuốc Tây y thường cho tác dụng nhanh, tuy nhiên lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, có thể gây ra biến chứng. Do đó bạn không được lạm dụng thuốc trong thời gian dài, hãy tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng và cách dùng để đạt được kết quả tốt nhất.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android