Người Lành Mang Virus Viêm Gan B Nguy Hiểm Không, Có Cần Điều Trị?

Người lành mang virus viêm gan B có nguy hiểm không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Bởi đây là những đối tượng bị nhiễm HBV nhưng không có biểu hiện, virus vẫn chưa hoạt động mạnh mẽ hay làm tổn thương đến gan. Tuy nhiên, nếu không được sớm phát hiện và điều trị kịp thời rất dễ gây hại cho sức khỏe người bệnh cũng như lây lan cho cộng đồng.

Người lành mang virus viêm gan B là gì, có nguy hiểm không?

Những con đường lây nhiễm viêm gan B được chia làm 2 loại là: Lây truyền dọc (từ mẹ sang con) và lây truyền ngang (từ người này sang người kia). Thông qua đó, virus HBV sẽ xâm nhập vào cơ thể con người, tuy nhiên chỉ khi chúng nhân lên ồ ạt, kích thích đáp ứng miễn dịch, phá hủy tế bào gan, hoại tử nhu mô gan thì mới được xem là bệnh gan do virus.

Chính vì vậy, khái niệm người lành mang virus viêm gan B được dùng để chỉ những người trong cơ thể có virus nhưng ở thể không hoạt động. Tức virus tồn tại nhưng không nhân lên, cũng không chứa nguy cơ gây hại. Để xác định một đối tượng là người lành mang virus viêm gan B, Hiệp hội nghiên cứu bệnh gan Hoa Kỳ đã đưa ra 5 tiêu chuẩn sau đây:

  • Có kết quả HBsAg dương tính kéo dài trên 6 tháng.
  • Có kết quả HBeAg âm tính, anti HBe dương tính.
  • Có tải lượng virus HBV DNA thấp hơn 2.000 IU/ml (104 copies/ml).
  • Có ALT/AST bình thường kéo dài.
  • Kết quả sinh thiết gan cho thấy viêm gan không đáng kể, mức độ hoại tử nhẹ hoặc không có.
Người lành mang virus viêm gan B trong cơ thể có virus ở thể không hoạt động
Người lành mang virus viêm gan B trong cơ thể có virus ở thể không hoạt động

Đối với người nhiễm virus viêm gan B ở thể lành, bệnh không gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe. Thế nhưng khi cơ thể không khỏe mạnh, sức đề kháng yếu hoặc gặp tác nhân nào đó khiến virus tái hoạt động mà người bệnh không biết, điều này sẽ khiến chúng âm thầm tàn phá các tế bào gan, kèm theo nhiều tình huống nguy hiểm như:

  • Đối với trẻ nhỏ: Khi bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ, chỉ có khoảng 10% số trẻ được coi là miễn nhiễm với virus (bệnh tự khỏi hoàn toàn). 90% còn lại sẽ diễn biến thành viêm gan mạn tính kéo dài trong nhiều năm (có thể không xuất hiện triệu chứng lâm sàng), cuối cùng là dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Những trẻ này có thể mang virus đang hoạt động hoặc bất hoạt tuỳ vào từng giai đoạn của bệnh lý.
  • Đối với người lớn: Có tới 90% người bị nhiễm viêm gan B sau 6 tháng sẽ tự khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng gì. Còn lại 10% sẽ trở thành viêm gan B mạn tính (có thể ở thể hoạt động hoặc không hoạt động).
  • Đối với người viêm gan B mạn tính thể bất hoạt: Thường sẽ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào của bệnh, xét nghiệm men gan vẫn bình thường, siêu âm gan không bị hoại tử hoặc chỉ hoại tử ở mức độ nhẹ. Song virus vẫn tồn tại trong cơ thể, do đó nó có thể lây nhiễm cho người khác thông qua đường máu, từ mẹ sang con hay quan hệ tình dục.

Bên cạnh đó, tình trạng virus không hoạt động cũng chỉ là tạm thời, chúng có thể tái hoạt động bất cứ lúc nào, nhất là khi sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu, khả năng kháng virus giảm. Chính vì vậy người lành mang virus viêm gan B vẫn cần có những biện pháp phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe phù hợp, tránh để chúng hoạt động trở lại.

Xem thêm: Xét Nghiệm Viêm Gan B Có Cần Nhịn Ăn Không, Nên Lưu Ý Những GÌ?

Người lành mang virus viêm gan B có nên tiêm vacxin và điều trị không?

Đối với những người lành mang virus hay người nhiễm virus viêm gan B ở thể không hoạt động thì không cần phải tiêm vacxin phòng bệnh hoặc điều trị. Bởi khi này, các hoạt động của gan không bị ảnh hưởng và vacxin khi đưa vào cơ thể sẽ trở thành thừa thải (vacxin chỉ dành cho những đối tượng chưa bị nhiễm HBV). Hiện nay cũng có khá nhiều loại thuốc Tây y có khả năng ức chế và làm hạn chế virus viêm gan B phát triển, tuy nhiên nó chỉ dùng cho trường hợp viêm gan B cấp tính và mạn tính.

Thay vào đó, người bệnh nên tới các trung tâm y tế uy tín để kiểm tra sức khỏe định kỳ từ 3 – 6 tháng/lần, đồng thời thực hiện những xét nghiệm cần thiết như: HBeAg, HBsAg, HBV-DNA… nhằm theo dõi chặt chẽ tình trạng virus, từ đó có cách phòng ngừa kịp thời, tránh để chúng tái hoạt động trở lại. Thực tế, khả năng virus tái hoạt động trở lại là không hề nhỏ (tỷ lệ trung bình là khoảng 50%), vì vậy chúng ta cần hết sức cẩn thận.

Người mang virus viêm gan B thể bất hoạt cần làm gì?

Với mục đích đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, người mang virus viêm gan B cần:

  • Thăm khám sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm gan theo chỉ định của bác sĩ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt, lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Người bệnh nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý
Người bệnh nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý
  • Loại bỏ căng thẳng, áp lực, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
  • Không dùng chung các vật dụng cá nhân có nguy cơ tiếp xúc, dính máu, dịch cơ thể như: Dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kim tiêm…
  • Sinh hoạt tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp an toàn, không quan hệ tập thể, quan hệ với trai, gái mại dâm…
  • Không cho máu hoặc khi có vết thương hở cần lưu ý với người xử lý vết thương về việc mình đang mang virus HBV
  • Thận trọng khi dùng thuốc bởi có một số loại thuốc có thể gây hại cho gan như thuốc giảm đau, chống viêm, an thần…

Như vậy, người lành mang virus viêm gan B là tình trạng không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan bởi virus có thể hoạt động lại bất cứ lúc nào. Chính vì thế người bệnh nên có cách nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng đồng thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android