Bệnh Still
Bệnh still khởi phát ở người lớn sẽ gây ra các triệu chứng như sốt cao, đau khớp, phát ban sần sùi trên da,... Nếu không điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng không mong muốn. Hiện tại, y khoa vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh nên sẽ gây khó khăn cho việc điều trị và phòng ngừa.
Định nghĩa
Bệnh still là hiện tượng tự viêm toàn thân không rõ nguyên nhân, đây là bệnh lý khá hiếm gặp. Các triệu chứng của bệnh lý này khá giống với bệnh tự miễn và các bệnh lý viêm nhiễm khác như viêm khớp, phát ban sần sùi gây đau nhức và sốt cao. Chuyên gia cho biết, người lớn mắc bệnh still sẽ thông qua hai mô hình sau đây:
- Mô hình suy nhược do sốt với triệu chứng đặc trưng là đau nhức kèm theo một số triệu chứng toàn thân khác
- Mô hình ít nghiêm trọng hơn với triệu chứng chính là đau khớp mãn tính và viêm khớp.
Ở mỗi mô hình khác nhau thì mức độ tiến triển lâm sàng của bệnh lý này cũng sẽ có sự khác nhau. Vì vậy, y khoa đã chia bệnh still ở người lớn thành 4 loại cụ thể là bệnh hệ thống đa vòng, đơn vòng, đa vòng khớp mãn tính và đơn vòng khớp mãn tính.
Hiện tại, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh still ở người lớn. Tuy nhiên, các trường hợp khởi phát bệnh đều có liên quan đến các sản phẩm cytokine và hệ thống gen B18, B35, DR2, HLA-B17. Đồng thời, bệnh rất dễ khởi phát ở người trong độ tuổi 15 - 25 và 36 - 46, nguy cơ mắc bệnh ở cả hai giới tính nam và nữ là giống nhau.
Bệnh still ở người lớn sẽ tiến triển thông qua ba giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, ảnh hưởng của bệnh đến cơ thể sẽ có sự khác nhau. Bệnh càng nặng thì sẽ có mức độ nguy hiểm cũng càng tăng và thời gian điều trị cũng kéo dài hơn.
- Thể nhẹ: Các triệu chứng của bệnh cũng tương tự như bệnh hệ thống như sốt phát ban, viêm thanh mạc, sưng hạch, lách và gan sưng to,... Trường hợp này, bạn có thể điều trị khỏi hoàn toàn chỉ trong vòng 1 năm.
- Thể trung bình: Hay còn gọi là thể bán cấp. Ở thể này, bệnh tiến triển thành nhiều đợt, có thể có hoặc không các triệu chứng tại khớp. Bệnh thường khởi phát thành từng đợt ổn định kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm, mức độ tiến triển của các đợt khởi phát sẽ nhẹ dần theo thời gian.
- Thể nặng: Đây là thể viêm khớp mạn tính. Triệu chứng của bệnh thường xảy ra tại khớp và để tại tổn thương nặng nề tại cơ quan này. Thống kê y khoa cho biết, có khoảng 67% trường hợp khởi phát bệnh rơi vào thể viêm khớp mạn tính khiến khớp bị tổn thương nặng nề. Sau khoảng 3 - 5 năm mắc bệnh bạn phải thay khớp nhân tạo để duy trì khả năng vận động.
Hình ảnh
Triệu chứng
Bệnh still ở người lớn cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để tránh phát sinh biến chứng không mong muốn. Vì thế, bạn cần đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe của bản thân để sớm phát hiện ra bệnh và có các biện pháp can thiệp đúng cách. Bệnh still khi khởi phát ở người lớn sẽ gây ra các triệu chứng sau đây:
- Sốt cao: Sốt cao trên 39 độ vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Tình trạng này thường xảy ra cách nhật hoặc hàng này và kéo dài ít nhất 4 ngày. Sốt diễn ra kéo dài nhiều tuần liền khiến người bệnh rơi vào trạng thái mệt mỏi, suy nhược cơ thể, gầy sút cân,...
- Viêm khớp: Viêm đau tại một số khớp trên cơ thể như khớp gối, khớp vai, khớp cổ tay, khớp cổ chân, khớp khuỷu tay. Nhiều trường hợp sẽ bị tràn dịch khớp gối. Tình trạng này thường diễn ra theo từng đợt kèm theo sốt nhưng không có dấu hiệu dính khớp hay biến dạng khớp.
- Phát ban trên da: Phát ban không cố định ở một vị trí nhưng thường tập trung ở lưng và gốc chi, ít gặp ở đầu và mặt. Các nốt ban này có màu hồng cá hồi kèm theo triệu chứng ngứa ngáy rất khó chịu. Ban xuất hiện nhiều nhất khi cơ thể đang trong trạng thái sốt cao và biến mất khi hết sốt.
- Triệu chứng khác: Bệnh still khi khởi phát ở người lớn còn gây ra một số triệu chứng khác như đau họng, đau cơ, gan và lách to, tăng bạch cầu, viêm thanh mạc, viêm ngoài màng tim, tích tụ chất lỏng tại phổi và màng tim,...
Biến chứng
Chuyên gia cho biết, bệnh still khi khởi phát ở người lớn sẽ có tiên lượng thuận lợi hơn so với trẻ em hay người già. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi và có thể gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng khác bên trong cơ thể (điền hình là tim, phổi và thận). Ở những trường hợp nặng, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng sau đây:
- Phá hủy khớp.
- Viêm gan tối cấp.
- Mất thính giác.
- Viêm màng não vô khuẩn.
- Hội chứng đại thực bào.
- Viêm cơ tim hoặc viêm ngoài màng tim.
- Tích tụ chất lỏng quanh phổi gây khó thở.
Biện pháp điều trị
Khi thấy cơ thể có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác bệnh lý và hướng dẫn điều trị đúng cách. Thông thường, bệnh lý này sẽ được điều trị bằng thuốc Tây y giúp đẩy lùi triệu chứng của bệnh, hạn chế nguy cơ phát sinh biến chứng và kiểm soát tốt các đợt tiến triển của bệnh. Các loại thuốc thường được kê đơn là:
- Thuốc chống viêm không steroid: Kê đơn điều trị với những trường hợp khởi phát bệnh kèm theo viêm đau tại khớp. Công dụng chính của nhóm thuốc này là giảm đau và kiểm soát triệu chứng viêm.
- Thuốc Corticosteroid: Được sử dụng với những trường hợp không đáp ứng điều trị với thuốc chống viêm không steroid. Đây là thuốc chống viêm tác dụng mạnh, rất thích hợp sử dụng với trường hợp đau cấp tính hoặc viêm mạn tính kéo dài.
- Thuốc Methotrexat và Cyclophosphamid: Được sử dụng với những trường hợp không đáp ứng điều trị với thuốc Corticosteroid. Thông thường, hai loại thuốc này sẽ được sử dụng kết hợp với Prednisone giúp nâng cao hiệu quả mang lại.
- Thuốc Gamaglobulin: Được kê đơn điều trị với những trường hợp bệnh nặng. Thuốc được sử dụng liên tục từ 2 - 5 ngày thông qua đường truyền tĩnh mạch.
- Thuốc sinh học: Được chỉ định điều trị cho những trường hợp kháng trị với các loại thuốc ở trên. Thuốc ức chế IL-1 anakira là thuốc sinh học được sử dụng phổ biến nhất.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Ngoài việc điều trị bệnh theo phác đồ điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra, người bệnh cũng cần điều chỉnh lại lối sống sinh hoạt hàng ngày và áp dụng thêm một số biện pháp khắc phục tại nhà khác. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
- Chế độ ăn uống hàng ngày cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt là vitamin C và acid béo omega-3. Bạn cũng nên uống nhiều nước để hỗ trợ hạ sốt.
- Với những trường hợp phải dùng thuốc Prednisone liều cao, cần tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu canxi và vitamin D để phòng ngừa bệnh loãng xương.
- Trường hợp viêm đau khớp, bạn nên di chuyển hoặc vận động nhẹ nhàng để giảm đau và hạn chế tình trạng cứng khớp. Duy trì thói quen tập luyện mỗi ngày còn tăng sức bền và độ linh hoạt của khớp, giúp cải thiện phạm vi chuyển động.
- Dùng thuốc theo đúng liều lượng và chỉ định mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra. Tiến hành thăm khám định kỳ theo lịch hẹn để theo dõi tiến triển của bệnh và hiệu quả điều trị mà thuốc mang lại.
Bệnh still khởi phát ở người lớn nếu không được điều trị dứt điểm sẽ tiến triển sang giai đoạn mãn tính và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Vì thế, khi có các dấu hiệu của bệnh bạn không được chủ quan trong việc thăm khám và điều trị chuyên khoa.
- Chuyên gia
- Cơ sở