Vảy Nến Da Mặt

Tổng quan

Vảy nến da mặt cho tới hiện nay vẫn là bệnh lý chưa thể đưa ra được chính xác nguyên nhân do đâu. Bệnh nhân muốn có phương pháp chữa trị hiệu quả cần hiểu rõ tình trạng, mức độ bệnh của bản thân cũng như tuân thủ theo đúng các chỉ dẫn từ bác sĩ. Hãy theo dõi bài viết sau để không bỏ lỡ các thông tin sức khỏe hữu ích nhất.

Định nghĩa

Vảy nến nói chung là chứng bệnh liên quan tới vấn đề rối loạn tự miễn, các tế bào da trên cơ thể người bệnh sẽ sinh sôi rất nhanh chóng và chúng có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể. Theo đó, vảy nến da mặt là một trong những thể khá phổ biến của bệnh vảy nến và có tới hơn 50% người mắc vảy nến hiện nay.

Da mặt vốn là nơi khá mỏng, nhạy cảm, dễ chịu nhiều tác động nên khi bị vảy nến thường xuất hiện những mảng sừng khá dày, da cũng khó chịu, ngứa ngáy hơn những vị trí bị vảy nến khác. Khi phát tác, vảy nến trên da mặt thường có xu hướng lan rộng sang cả chân tóc, tai và cổ. Các bác sĩ cho biết, qua số liệu thống kê  những bệnh nhân bị vảy nến trên da mặt, có rất ít người chỉ bị vảy nến trên mặt mà không lan sang các vị trí xung quanh.

Hình ảnh

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng

Khi da mặt bị vảy nến, những dấu hiệu thể hiện rất dễ quan sát, các đặc điểm cho thấy làn da đang bị tổn thương bởi bệnh vảy nến gồm:

  • Da mặt có tình trạng khô, thiếu nước, da nứt nẻ rất rõ rệt dù không phải mùa hanh khô. Làn da có các lớp vảy sừng với màu trắng, hồng nhạt, chúng bong tróc nhiều và liên tục.
  • Các vùng da bị tổn thương sẽ có màu ửng đỏ, thường có kích thước khá to, khoảng 3cm và còn kèm theo các cơn ngứa. Mức độ ngứa nhẹ hay dữ dội sẽ tùy thuộc mỗi người, nếu bạn đưa tay lên gãi sẽ càng làm da bị trầy xước hơn.
  • Khi mặt bị vảy nến, da không chỉ có cảm giác đau rát mà còn nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường cũng như các sản phẩm làm sạch da mặt hàng ngày.

Bên cạnh đó, còn có một số vị trí đặc biệt trên da mặt dễ bị làm tổn thương như vùng mí mắt, quanh miệng và tai. Ví dụ như mắt bị đỏ vành, khô mắt, viêm, thị lực suy giảm; Tai có nhiều lớp vảy đóng ở ống tai ngoài, giảm thính lực; Miệng xuất hiện vảy trắng, có thể là trong máu, trên môi hoặc lưỡi, lợi.

Nguyên Nhân

Mặc dù đã được nghiên cứu nhiều nhưng các chuyên gia vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác dẫn tới bệnh vảy nến da mặt cũng như vảy nến nói chung. Theo đó, chúng ta chỉ có thể dựa vào các yếu tố kích thích bệnh phát triển, khiến tăng nguy cơ bệnh xuất hiện và xảy ra các biến chứng.

Hiện nay, những yếu tố đang được đưa ra để đánh giá về việc tăng nguy cơ hình thành nên vảy nến ở mặt gồm có:

  • Trong gia đình người bệnh có người từng mắc bệnh vảy nến, cha mẹ có thể di truyền qua con cái.
  • Những người có tiền sử mắc các bệnh nhiễm trùng da, người từng thực hiện phẫu thuật, da xảy ra các chấn thương.
  • Người thường có tâm lý stress, lo âu quá độ.
  • Những trường hợp dùng nhiều cà phê, thuốc lá, người tiếp xúc nhiều với tia cực tím.
  • Các bệnh nhân bị nhiễm nấm men Malassezia.
  • Trường hợp thiếu vitamin D cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Biến chứng

Khi mặt bị vảy nến, bệnh nhân thường mang tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc với những người xung quanh, cả công việc và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Đồng thời, chữa trị chậm trễ là nguyên nhân xảy ra các biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Gây ra biến chứng tiểu đường, béo phì: Khá nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi biết bệnh vảy nến thuộc nhóm da liễu lại có thể gây tác động tới chuyển hóa đường trong cơ thể. Thực tế đây là biến chứng hoàn toàn có thể xảy ra, quá trình chuyển hóa các lipid và đường sẽ bị rối loạn, cơ thể bệnh nhân nhạy cảm hơn với insulin và dần tích tụ thêm nhiều mỡ. Điều này sẽ dẫn tới béo phì và bệnh tiểu đường.
  • Làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng huyết áp: Biến chứng thứ 2 chúng ta không được xem nhẹ đó là liên quan tới hệ thống tim mạch và huyết áp. Có tới ⅕ tổng số bệnh nhân mắc vảy nến da mặt gặp phải xơ vữa động mạch và tăng huyết áp một cách bất thường. Đặc biệt, tình trạng đột quỵ, đau tim diễn ra khá phổ biến.
  • Mắt bị ảnh hưởng: Có thể bạn chưa biết, khi mặt bị vảy nến, mắt là vùng rất dễ chịu tác động. Lúc này, người bệnh có thể bị viêm bờ mi, thị lực suy giảm rõ rệt và kết mạc viêm nhiễm.

Ngoài các biến chứng trên, người mắc vảy nến trên mặt còn dễ bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực. Bởi gương mặt là nơi rất dễ nhận biết những biểu hiện bệnh lý, đặc biệt những người thường phải làm công việc tiếp xúc với các khách hàng, đối tác sẽ càng mang tâm lý mặc cảm, ám ảnh nhiều hơn. Thậm chí còn có người bị trầm cảm vì vảy nến da mặt khi chịu thái độ kỳ thị, lảng tránh từ mọi người.

Phòng ngừa

Bệnh vảy nến da mặt dẫn tới nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho làn da cũng như tâm lý của bệnh nhân. Cùng với việc tìm hiểu các cách điều trị bệnh phù hợp, chúng ta cũng nên quan tâm tới những vấn đề quan trọng sau đây để dễ dàng đẩy lùi vảy nến hơn.

  • Trong thời gian bị bệnh vảy nến, cần hạn chế hết mức việc sử dụng mỹ phẩm. Nếu là các trường hợp thật sự cần thiết, bạn nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm có chứa thành phần tự nhiên, lành tính với da, không gây ra các kích ứng hay chứa hương liệu, dầu khoáng, cồn, paraben,...
  • Khi dưỡng ẩm cho da bằng kem, gel hay lotion, cần chú ý lựa chọn các sản phẩm chuyên dụng cho da nhạy cảm, da đang bị bệnh theo tư vấn từ các bác sĩ.
  • Cần tránh trang điểm để không làm làn da bị bí, bít tắc, các mỹ phẩm makeup có thể làm cho da kích ứng hơn, da mất nước và dễ dàng bị bong tróc, ngứa rát.
  • Luôn giữ vệ sinh da mặt cũng như toàn thân sạch sẽ, khi ra khỏi nhà bạn nên sử dụng khẩu trang và kính mắt để bảo vệ da, tránh bụi bẩn, vi khuẩn từ môi trường cũng như ánh nắng gây hại chiếu lên da.
  • Tránh dùng các thực phẩm là hải sản, trứng, sữa, thịt đỏ, những món ăn dễ gây dị ứng. Các thức uống cà phê, bia, rượu, đồ uống có cồn và chất kích thích.
  • Nên tích cực sử dụng những thực phẩm rau củ chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất để thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố và giúp làn da phục hồi tốt, da có độ ẩm phù hợp, không bị thiếu nước.
  • Lựa chọn những sản phẩm kem chống nắng có chỉ số phù hợp và thoa cẩn thận trước khi ra ngoài để hạn chế tối đa tác hại từ ánh nắng.
  • Xây dựng giấc ngủ, thời gian sinh hoạt hợp lý, khoa học, tích cực tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để cải thiện hệ miễn dịch và sức đề kháng.
  • Nên uống nhiều nước mỗi ngày, bao gồm cả nước lọc và nước ép hoa quả, rau củ sẽ giúp da khỏe hơn, các tế bào bị tổn thương có thể tái tạo lại nhanh chóng.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Bệnh vảy nến da mặt thường tốn nhiều công sức để chữa trị hơn các chứng vảy nến khác. Hiện nay, chúng ta có các phương pháp để giúp giảm thiểu triệu chứng của bệnh, giúp bệnh hạn chế tiến triển nặng, ngăn ngừa các biến chứng.

Những cách chữa vảy nến da mặt được ứng dụng hiện nay gồm:

Thuốc Tây y trị vảy nến da mặt

Bệnh vảy nến da mặt khi sử dụng các phương thuốc điều trị của Tây y sẽ được kết hợp khá nhiều loại thuốc với nhau, cụ thể gồm:

  • Thuốc Retinoids: Được dùng để làm sạch các lớp vảy ở trên da, thuốc cũng giúp cải thiện những tế bào da đang bị viêm nhiễm. Nhưng với người có da nhạy cảm, thuốc có thể gây ra kích ứng.
  • Thuốc Corticoid: Loại thuốc này hầu hết có mặt trong quá trình chữa trị bệnh vảy nến và nhiều bệnh da liễu khác. Mặc dù cho hiệu quả tốt nhưng chỉ được phép sử dụng Corticoid trong thời gian ngắn vì lạm dụng chúng sẽ khiến da bị mỏng hơn, dễ rạn, dễ bị kích ứng và nổi các mạch máu rất rõ.
  • Nhóm thuốc ức chế Calcineurin: Được sử dụng để kiểm soát các tế bào T nhằm hạn chế những dị ứng xảy ra ở hệ miễn dịch khi hoạt động quá mức.
  • Thuốc Crisaborole: Loại thuốc mỡ này có công dụng đẩy lùi những biểu hiện da ngứa ngáy, khó chịu, làm giảm những phản ứng viêm thường gặp ở người bị vảy nến da mặt.
  • Acid Salicylic: Đây là thuốc được dùng khá phổ biến, giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng da bị tróc vảy, giúp hạn chế viêm da và tiêu diệt các vi khuẩn trên da. Nhưng khi dùng lâu dài có thể gây ra kích ứng nhẹ.
  • Thuốc Coaltar: Đây là loại dẫn xuất từ than đá, nhựa than đá, hiện nay chúng được dùng nhiều trong các loại kem và dầu gội đầu, vai trò chính là ngừa nấm, tiêu diệt vi khuẩn và hạn chế sản sinh tế bào sừng.
  • Thuốc mỡ, kem chứa vitamin D tổng hợp: Thuốc sẽ giúp người bệnh làm chậm lại quá trình phát triển của mức của tế bào da, giúp làn da có thời gian để phục hồi hiệu quả và giảm thiểu các tổn thương trên da.
  • Các loại thuốc uống khác: Một số thuốc uống như Cyclosporine, Methotrexate, Retinoids cũng được kê đơn để hỗ trợ tối đa cho quá trình trị  bệnh, thuốc giúp ngăn chặn các phản ứng dị ứng, giúp bệnh nhân giảm đau, kháng sinh và giảm tổn thương da do vảy nến gây ra.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng được bác sĩ chỉ định một số loại kem dưỡng để cung cấp độ ẩm phù hợp cho làn da, giúp da hạn chế bong sừng, nứt nẻ và ửng đỏ.

Khi sử dụng thuốc Tây để chữa vảy nến da mặt, bệnh nhân cần chú ý tới một số vấn đề như sau:

  • Thuốc chỉ dùng đúng liều lượng bác sĩ hướng dẫn, bệnh nhân không tự tăng liều hoặc giảm liều.
  • Thuốc cần sử dụng kiên trì theo liệu trình, bệnh nhân tránh dừng uống giữa chừng hoặc sử dụng thuốc ngắt quãng đều sẽ gây ra nhờn thuốc, khiến bệnh trở nên nặng hơn và việc chữa trị về sau sẽ rất khó khăn.
  • Với thuốc bôi vảy nến, cần chú ý tránh để thuốc dính vào mắt, miệng, không bôi quá dày lên da. Khi thoa thuốc cần thoa đều để thuốc ngấm vào da tốt hơn.
  • Nếu trong quá trình bôi hoặc uống thuốc, bệnh nhân thấy da có những triệu chứng bất thường, bệnh không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn, hãy thông báo với bác sĩ.

Ứng dụng phương pháp quang trị liệu

Hiện nay, có khá nhiều bệnh nhân lựa chọn cách sử dụng quang trị liệu để chữa vảy nến, đây là phương pháp dùng tia UV để chiếu lên da giúp làm chậm lại quá trình tế bào da phát triển quá mức.

Các phương pháp được ứng dụng:

  • Quang trị liệu UVB: Tia UV được chiếu lên da để làm chậm lại quá trình da bong tróc cũng như tăng trưởng tế bào.
  • Quang trị liệu UVB băng hẹp: Kỹ thuật này có sự cải tiến hơn, vẫn là cơ chế chiếu tia UV nhưng cho hiệu quả tốt hơn so với UVB thông thường.
  • Psoralen + PUVA: Khi tiến hành chiếu PUVA sẽ cần kết hợp thêm thuốc Psoralen để tăng độ nhạy cảm của da với nguồn ánh sáng.
  • Goeckerman: Đây là liệu pháp sử dụng nhựa than đá và tia UVB để chiếu trên da, thường dùng cho những bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ tới trung bình.
  • Ánh sáng mặt trời: Y học sử dụng ánh cực tím tự nhiên từ mặt trời để chiếu da.
  • Laser Excimer: Được thực hiện bằng các dùng tia UVB để chiếu lên da với diện tích nhỏ, không làm các khu vực da xung quanh bị ảnh hưởng.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Vảy nến da mặt có thể cải thiện tại nhà với các nguyên liệu thiên nhiên dễ kiếm. Những công thức này đã được nhiều người sử dụng và cho thấy có hiệu quả khá tốt, làn da giảm kích ứng, hạn chế bong tróc và cũng bớt ngứa ngáy hơn. Các cách có thể áp dụng gồm:

  • Lô hội: Sử dụng 1 bẹ lô hội, cắt bỏ hết vỏ, rửa sạch để loại bỏ lớp nhựa vàng gây ngứa. Bạn cắt thành các lát mỏng và thoa đều lên da sẽ giúp tạo độ ẩm và dịu da tức thì. Cách này có thể dùng mỗi ngày 1 lần cho tới khi bệnh đã thuyên giảm rõ rệt.
  • Bột yến mạch: Các bạn sử dụng yến mạch tương tự như cách đắp mặt nạ thông thường. Trộn đều yến mạch với sữa tươi không đường và thoa lên da, sau 20 phút dùng nước mát rửa sạch.
  • Giấm táo: Dùng giấm táo trộn với sữa tươi không đường theo tỉ lệ 1:1, làm sạch da rồi thoa đều hỗn hợp. Đợi sau 15 phút, bạn dùng nước mát để làm sạch mặt.

Những cách chữa này thường có dược tính thấp, cần nhiều thời gian để thấy được hiệu quả rõ rệt. Do đó, người bệnh khi sử dụng phải kiên trì, bên cạnh đó, các mẹo trên cũng chỉ phù hợp với bệnh nhân mắc vảy nến da mặt ở thể nhẹ, người bị từ mức độ trung bình tới nặng sẽ không có được hiệu quả tốt như mong muốn.

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android