Kháng Thể Viêm Gan B Là Gì Và Những Thông Tin Quan Trọng

Chúng ta đều biết viêm gan B là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có khả năng lây lan cao trong cộng đồng. Để được bảo vệ tốt nhất đồng thời giảm tỷ lệ mắc bệnh, mọi người được khuyến cáo nên tiêm phòng vacxin để nâng cao lượng kháng thể giúp ngăn chặn virus. Vậy kháng thể viêm gan B là gì, nồng độ bao nhiêu là đủ, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Kháng thể viêm gan B là gì?

Kháng thể viêm gan B được biết đến là thuật ngữ chỉ những kháng thể được cơ thể tạo ra nhằm chống lại các kháng nguyên bề mặt của virus gây bệnh viêm gan B (HBV). Loại kháng thể này có tên khoa học viết tắt là Anti-HBs, chúng mang đến hiệu quả cao trong việc chống lại sự tấn công của kháng nguyên HBsAg. Anti-HBS xuất hiện sau thời gian nhiễm trùng viêm gan B cấp tính và kéo dài trong nhiều năm, ngoài ra nó cũng được cơ thể sản xuất để đáp ứng với vacxin phòng bệnh.

Kháng thể viêm gan B giúp chống lại kháng nguyên bề mặt của virus HBV
Kháng thể viêm gan B giúp chống lại kháng nguyên bề mặt của virus HBV

Định lượng của kháng thể viêm gan B đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình điều trị cũng như dự phòng bệnh viêm gan B. Nếu nồng độ Anti-HBs lớn hơn 10mUI/ml thì được xem là cơ thể đã có kháng thể phòng bệnh. Tuy nhiên, để mang đến tác dụng phòng lây nhiễm tốt nhất thì định lượng này cần đạt ngưỡng 100 mIU/ml trở lên. Song song với đó, kháng thể được ghi nhận là bền vững với virus viêm gan B khi tới mức 1.000 mIU/ml.

Có rất nhiều trường hợp nhận được kết quả xét nghiệm chỉ số Anti-HBs dương tính, như vậy sẽ ngầm hiểu là cơ thể mình có khả năng miễn nhiễm với virus viêm gan B. Tuy nhiên, nếu định lượng kháng thể ở mức thấp, chưa đảm bảo bền vững thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh như bình thường.

Phương pháp xét nghiệm và cách đánh giá kết quả kháng thể

Trong xét nghiệm kháng thể viêm gan B, người được tiến hành xét nghiệm sẽ phải thực hiện đánh giá 2 chỉ số, bao gồm: HBsAg và Anti-HBs. Trong đó:

  • HBsAg: Là chỉ số cho biết nồng độ kháng nguyên bề mặt của virus HBV.
  • Anti-HBs: Là chỉ số thể hiện nồng độ kháng thể có tác dụng chống lại những kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B.
Anti-HBs cho biết nồng độ kháng thể chống lại kháng nguyên bề mặt
Anti-HBs cho biết nồng độ kháng thể chống lại kháng nguyên bề mặt

Những trường hợp và kết quả xét nghiệm kháng thể viêm gan B có thể xảy ra là:

Chỉ số HBsAg:

  • Dương tính: Tức trong cơ thể đã có mặt kháng nguyên của virus HBV, hay người bệnh đã bị nhiễm virus viêm gan B. Đối với trường hợp này, chúng ta cần thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết, nhằm đánh giá và xác nhận chính xác tình trạng hoạt động của virus mạnh hay yếu, giai đoạn bệnh ở cấp tính hay mãn tính. Qua đó giúp bác sĩ đưa ra phương án điều trị và hỗ trợ hồi phục phù hợp.
  • Âm tính: Tức cơ thể hoàn toàn không bị lây nhiễm virus viêm gan B.

Chỉ số HBsAb:

  • Dương tính (HBsAb cao hơn 10 mUI/ml): Cho thấy cơ thể đã có một lượng kháng thể viêm gan B, tuy nhiên, chỉ số HbsAb phù hợp để ngăn chặn sự xâm nhập của virus tốt nhất là rơi vào khoảng 100 – 1000 mUI/ml.
  • Âm tính (HBsAb thấp hơn 10 mUI/ml): Cho thấy cơ thể chưa có đủ kháng thể để chống lại sự xâm nhập của virus viêm gan B. Khi đó chúng ta cần tiêm phòng vacxin viêm gan B ngay để bổ sung kháng thể đạt ngưỡng bảo hộ.

Xem thêm: Người Lành Mang Virus Viêm Gan B Nguy Hiểm Không, Có Cần Điều Trị?

Một số thông tin quan trọng về kháng thể viêm gan B bạn cần biết

Bên cạnh việc hiểu rõ về bản chất của kháng thể viêm gan B, chúng ta cần đặc biệt lưu ý tới một số vấn đề quan trọng sau đây để bảo vệ bản thân trước căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Đối tượng nào cần xét nghiệm kháng thể viêm gan B?

Thủ tục và quy trình để xét nghiệm viêm gan B khá đơn giản, nhanh chóng và bất cứ ai cũng có thể yêu cầu được kiểm tra tình hình miễn dịch với virus viêm gan B. Bên cạnh các yếu tố tự nguyện thì vẫn có một số trường hợp bắt buộc phải tiến hành xét nghiệm đánh giá kháng thể. Cụ thể, những đối tượng được bác sĩ khuyến cáo đó là:

  • Tiếp xúc với đối tượng nghi ngờ bị nhiễm virus viêm gan B hoặc người bệnh viêm gan B

Virus viêm gan B có thể lây nhiễm từ người sang người thông qua 3 con đường chính là: Qua máu, đường quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Do vậy, nếu vô tình tiếp xúc máu hoặc phát sinh quan hệ với đối tượng bị nghi nhiễm, bệnh nhân viêm gan B mà không có biện pháp bảo vệ, bạn cần nhanh chóng thực hiện xét nghiệm kháng thể nhằm kiểm tra, đồng thời có biện pháp điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.

Nên đi xét nghiệm nếu có nguy cơ lây nhiễm cao
Nên đi xét nghiệm nếu có nguy cơ lây nhiễm cao
  • Phụ nữ muốn mang thai

Nếu bị nhiễm virus viêm gan B trong giai đoạn mang thai thì khả năng mẹ truyền bệnh cho thai nhi là vô cùng cao. Đặc biệt, càng tới những tháng cuối của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm càng tăng.

Chính vì vậy, trước khi có kế hoạch mang thai bạn nên đi xét nghiệm để biết cơ thể đã có định lượng kháng thể đạt mức cần thiết hay chưa. Điều này sẽ giúp bạn đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm sang con, cũng như nguy cơ nhiễm virus khi định lượng kháng thể ở mức thấp.

  • Cần xác nhận và kiểm tra hiệu quả của vacxin

Một phác đồ tiêm phòng vacxin viêm gan B cơ bản sẽ cần đủ 3 mũi tiêm và phải thực hiện theo đúng kế hoạch. Lúc đó cơ thể mới có đủ lượng kháng thể để ngăn chặn sự xâm nhập, tấn công của virus HBV, đặc biệt là hiệu quả phòng bệnh của vacxin lên đến 85%. Chính vì vậy mà việc xét nghiệm nhằm đo lường kháng thể cần thiết sau khi tiêm phòng là vô cùng quan trọng, nó sẽ cho biết cơ thể có đáp ứng với vacxin hay không.

Mặt khác, tác dụng của vacxin sau khi tiêm sẽ giảm dần theo thời gian chứ không giữ nguyên lượng kháng thể như ban đầu. Do đó sau khoảng 5 năm từ lúc tiêm chủng, chúng ta cần kiểm tra để đánh giá xem có cần thiết phải tiêm thêm mũi nhắc lại không.

Làm sao để định lượng kháng thể đạt ngưỡng bảo hộ?

Để có định lượng kháng thể chống lại virus viêm gan B đạt mức bảo hộ thì cách tối ưu nhất là tiêm vacxin phòng bệnh. Sau khi được tiêm mũi đầu khoảng 21 ngày, cơ thể đã bắt đầu có kháng thể chống lại virus. Tuy nhiên, lượng kháng thể từ mũi đầu tiên là chưa đủ, để đạt nồng độ đảm bảo thì chúng ta cần thực hiện tiêm thêm 2 mũi nhắc lại nữa. Tức, để định lượng kháng thể đạt mức cần thiết thì cần phải đủ 3 mũi vacxin. Cụ thể:

  • Đối với trẻ sơ sinh:

Trong vòng 24 giờ đầu kể từ lúc sinh ra, trẻ nên được tiêm chủng mũi phòng bệnh viêm gan B đầu tiên. Mũi thứ 2 tiêm khi đủ 1 tháng tuổi và mũi thứ 3 khi đủ 2 tháng tuổi.

Trẻ sơ sinh nên được tiêm chủng trong vòng 24 giờ sau khi sinh
Trẻ sơ sinh nên được tiêm chủng trong vòng 24 giờ sau khi sinh
  • Đối với người trưởng thành và trẻ lớn tuổi:

Trước khi thực hiện, người trưởng thành và trẻ lớn tuổi cần được xét nghiệm máu nhằm xác định nồng độ kháng thể, ngoài ra còn đánh giá đã bị nhiễm bệnh hay chưa. Nếu đã nhiễm bệnh thì việc tiêm phòng vacxin là không cần thiết và không còn tác dụng. Ngược lại, đối với trường hợp chưa mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm vacxin phòng bệnh càng sớm càng tốt. Trong đó mũi 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng, mũi thứ 3 cách mũi đầu tiên 6 tháng.

Mặt khác, để đảm bảo cơ thể luôn có được định lượng kháng thể chống lại virus viêm gan B ở mức bảo hộ, chúng ta cần tiêm bổ sung thêm mũi 4 sau 1 năm kể từ khi tiêm mũi thứ 3.

Xét nghiệm kháng thể viêm gan B ở đâu uy tín?

Việc xét nghiệm đánh giá kháng thể viêm gan B có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa gan, bệnh viện. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên thực hiện xét nghiệm tại những địa chỉ lớn, uy tín, được trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ tận tình, chuyên môn giỏi để nhận được kết quả chính xác nhất. Trong đó bạn có thể tham khảo qua một số địa chỉ xét nghiệm kháng thể như:

  • Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Hà Nội: Được đánh giá là đơn vị đầu ngành, uy tín trong thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm nói chung và viêm gan nói riêng.
  • Bệnh viện quân đội 108 Hà Nội: Có đủ điều kiện theo đúng quy định của Bộ Y tế về thực hiện xét nghiệm viêm gan B cho người dân.
  • Bệnh viện Bạch Mai: Là bệnh viện tuyến cuối có quy mô lớn, được đánh giá cao về cả chất lượng lẫn dịch vụ. Khoa truyền nhiễm là nơi tiếp nhận người dân có nhu cầu thăm khám và điều trị các bệnh liên quan đến viêm gan.
  • Bệnh viện Việt Pháp: Là cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế, bệnh viện được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, hệ thống máy móc, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại.
  • Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc: Là bệnh viện tư nhân có quy mô lớn, Thu Cúc được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, công nghệ hiện đại. Các chuyên khoa được bố trí riêng biệt với lượng nhân viên, bác sĩ đông đảo, quy trình, thủ tục khá đơn giản.
  • Bệnh viện C Đà Nẵng: Là bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế, nằm tại trung tâm của thành phố Đà Nẵng. Nơi đây sở hữu đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm, luôn tận tâm, chu đáo, đề cao y đức.
  • Bệnh viện Trung ương Huế: Là 1 trong 3 bệnh viện Trung ương lớn nhất cả nước, có đầy đủ các chuyên khoa, đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người bệnh.
  • Bệnh viện Chợ Rẫy: Là bệnh viện có quy mô lớn tại khu vực phía Nam với hoạt động thăm khám, điều trị và phòng ngừa nguy cơ lây lan của viêm gan B.
  • Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM: Là cơ sở y tế tập trung đặc biệt dành cho các loại bệnh truyền nhiễm tại khu vực phía Nam, trong đó bao gồm cả viêm gan B.

Có thể thấy, kháng thể viêm gan B đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong điều trị và ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh. Chính vì vậy, chúng ta nên chú ý tiêm phòng vacxin, đồng thời đi xét nghiệm trong những trường hợp cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android